xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vĩnh biệt vị trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập

Dương Trung Quốc

Nguyễn Hữu Đang – vị cách mạng lão thành - đã mất vào ngày 8-2, thọ 94 tuổi. Ông là người hoạt động cách mạng, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ nổi tiếng, có cuộc đời long đong...

Cụ Mười Hương tuổi đã ngoại tám mươi, từng làm trưởng Ban Nội chính Trung ương xúc động nói với tôi giọng nghẹn ngào: “Cứ mỗi lần nhìn tấm ảnh lễ đài Độc lập dựng ở giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi lại thương anh Đang. Lần này ra Hà Nội dự kỷ niệm thành lập Đảng và tưởng niệm anh Trường Chinh, tôi cũng có ý định cùng mấy vị lão thành ở ngoài này lo đề nghị trên tặng một tấm huân chương cho anh Đang. Vậy mà... anh ấy lại đi mất”. Những người dự đám tang cụ Nguyễn Hữu Đang đều thấy cụ Mười Hương có mặt suốt từ đầu cho đến khi ra đài hóa thân hoàn vũ.

Trong đám tang, người ta cũng loáng thoáng nghe thấy câu chữ “Nhân văn giai phẩm”. Khi gặp tôi, cụ Mười Hương nói rằng lúc xảy ra “việc đó” cụ đang ở chiến trường miền Nam, nghe tin từ ngoài vào, chuyện khác thì không bình luận nhưng riêng cái chi tiết Nguyễn Hữu Đang bị gián điệp lung lạc thì cụ không tin: “Anh Đang là người sống chung thủy và nghiêm túc lắm”.

NGƯỜI ĐƯỢC BÁC HỒ TRỰC TIẾP GIAO NHIỆM VỤ.- Cách đây không lâu, người ta đã công bố trên báo chí một đoạn hồi ức của cụ Đang về mối tình duy nhất và cũng là cuối cùng cách đây đã sáu mươi năm nhưng không thành, cho đến hôm nay cụ đã mang theo xuống tuyền đài. Đó chính là thời điểm chàng trai Nguyễn Hữu Đang mới 32 tuổi, đã được Bác Hồ trực tiếp giao trách nhiệm làm người đứng ra lo tổ chức ngày Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Cụ Mười Hương kể lại rằng, ngay sau khi Thường vụ Trung ương họp để thông qua văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác trực tiếp soạn thảo và quyết định sẽ chọn ngày công bố vào chủ nhật, 2-9-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã gặp cụ để trao đổi về việc làm sao có thể kịp tổ chức đúng thời điểm tuyên ngôn độc lập mà chính Bác Hồ đã ấn định, vì không thể chậm hơn trong cuộc chạy đua thời gian với những diễn biến của thời cuộc.

Là người hoạt động trong giới trí thức và thanh niên ở Hà Nội, chính cụ Mười Hương là người gợi ý giao việc này cho Nguyễn Hữu Đang, lúc đó là thủ lĩnh của hai phong trào đang có ảnh hưởng trong quần chúng và trí thức là Truyền bá Quốc ngữ và Văn hóa Cứu quốc. Tổng Bí thư Trường Chinh thì biết quá rõ Nguyễn Hữu Đang, một cây bút quen biết trên các tờ Thời Báo, Ngày Mới. Đời Nay thời Mặt trận Bình dân, còn cả hai phong trào trên thì Tổng Bí thư lại chính là người trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động văn hóa và lực lượng trí thức chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Hơn thế, ngay tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Nguyễn Hữu Đang, người đã vào Đảng từ năm 1943 nhưng tham gia tổ chức học sinh của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí ở Thái Bình từ năm 16 tuổi (1929), đã được bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Vì thế mà đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Nguyễn Hữu Đang lo liệu công tác tổ chức ngày Lễ Độc lập với một mệnh lệnh: “Đây là sự kiện lịch sử lớn kết thúc Cách mạng Tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” kèm theo một lời khích lệ đầy tin tưởng: “Việc khó mới giao cho chú!”.

Là người có kinh nghiệm vận động quần chúng và trưởng thành từ thực tế phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Nguyễn Hữu Đang đã nhanh chóng tập hợp được nhân tài vật lực từ các kiến trúc sư vẽ kiểu đến người thợ mộc trực tiếp thi công, từ các nhà công thương hiến tặng vật liệu đến nhà kỹ thuật cung cấp và lắp đặt các thiết bị phóng thanh... để đúng ngày giờ ấn định, lễ đài Độc lập đã sừng sững uy nghi giữa Quảng trường Ba Đình, nhanh chóng và trật tự tập hợp hàng chục vạn người dân để buổi lễ diễn ra một cách trọng thể, an toàn và đầy khí thế của một cuộc cách mạng toàn dân. Từ trên lễ đài ấy, Cụ Chủ tịch nước tuyên bố nền độc lập dân tộc cùng sự ra đời của chính thể Dân chủ - Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Và cũng từ lễ đài ấy, chiếc ấn vàng và cây kiếm tượng trưng của chế độ quân chủ Việt Nam đã được trưng ra trước quốc dân đồng bào, cáo chung cho triều đại phong kiến cuối cùng...

Buổi lễ để lại một ấn tượng mạnh mẽ đối với những vị khách nước ngoài có mặt khi đó là các sĩ quan trong đơn vị Tình báo Chiến lược (OSS) của Hoa Kỳ. Trong hồi ức của mình, A. Patti, viên thiếu tá chỉ huy trưởng OSS, đã phải thốt lên lời nhận xét về tính tổ chức cao của những người cách mạng Việt Nam, cùng sức hưởng ứng mãnh liệt của cả một dân tộc thể hiện qua buổi lễ lịch sử. Duy có một chi tiết chưa hoàn hảo, đó là kế hoạch truyền thanh trực tiếp buổi lễ tại Quảng trường Ba Đình để phát trên sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã bị trục trặc, khiến cuộc mít tinh diễn ra đồng thời tại Quảng trường Norodom tại TP Sài Gòn đã không nghe được lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập qua làn sóng điện.

Nửa thế kỷ sau, tôi chứng kiến lần GS Trần Văn Giàu ra thăm Hà Nội gặp Nguyễn Hữu Đang tại một sinh hoạt của Hội Sử học Việt Nam. Cụ Giàu lớn tiếng hỏi cụ Đang: “50 năm nay tôi mới gặp để hỏi ông một câu: Tại sao hôm đó ông đã thông báo sẽ truyền thanh trực tiếp từ Ba Đình, Hà Nội mà ở Sài Gòn bắt mãi không thấy sóng khiến tôi phải đứng lên hiệu triệu đồng bào. May mà đến hôm sau mới nhận được nội dung Tuyên ngôn, soi lại thấy mình nói không sai với tinh thần của Bác và Trung ương ngoài ấy?!”. Cụ Đang chưa kịp trả lời thì cụ Nguyễn Văn Dực, con trai của học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh, người phụ trách thiết bị âm thanh và phát thanh hôm đó, đỡ lời: “Thưa cụ Chủ tịch Ủy ban Lâm thời Hành chính Nam Bộ, lý do là bị trục trặc kỹ thuật, thiết bị thì cũ kỹ, đài phát sóng ở Bạch Mai mới tiếp quản, và cũng không loại trừ là có kẻ phá hoại ngầm. Hôm nay chúng tôi có lời xin lỗi cụ ạ”.

MỐI TÌNH DUY NHẤT.- Sau Ngày Độc lập, Chính phủ chính thức thành lập, Nguyễn Hữu Đang được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Thanh niên rồi thứ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền... Sinh năm 1913, năm Độc lập 1945, Nguyễn Hữu Đang 32 tuổi, lần đầu tiên có được một ý trung nhân. Đó là một thiếu nữ con nhà trung lưu tên là Huyền Nhiên. Không khí chính trị phả ngay vào đời sống thường nhật của mọi người dân khiến cô gái nhà gia giáo ấy, chỉ thách người đàn ông của mình một điều kiện, nếu làm được sẽ coi như là đã đính hôn. Điều kiện ấy là cho cô được diện kiến Cụ Chủ tịch. Chàng trai từng làm trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập và đang làm thứ trưởng Bộ Thông tin bèn thiết kế cơ hội để làm đẹp lòng người đẹp. Nhân dịp lễ phát động cuộc vận động ủng hộ áo ấm cho “Mùa đông binh sĩ”, người bạn gái của vị thứ trưởng được bố trí làm tiếp tân để mang tấm áo tượng trưng do một doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang lên tặng Cụ Chủ tịch. Cô gái không những được lại gần để trao áo cho Cụ Hồ mà còn được Cụ Chủ tịch ban những lời động viên sâu sắc về địa vị của người phụ nữ trong cách mạng và trong xã hội mới...

Chiến tranh, rồi cuộc kháng chiến 9 năm, khiến cuộc hôn nhân không thành và hai người sống cách xa nhau, nhưng lời hẹn ước thì không ai đơn sai. Ngày kháng chiến thành công trở về với thủ đô giải phóng, cuộc sống bề bộn cùng những thách đố của lịch sử khiến hai người chưa kịp gặp lại nhau thì đã phải mãi xa cách.

Cụ Đang không kể thêm về cuộc đời tiếp theo của người bạn gái nhưng những gì đến với cụ ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” rồi “ngũ thập tri thiên mệnh”... nên cuộc sống độc thân là điều không thể lựa chọn... Cho đến cuối đời, khi đã vượt quá tuổi “cổ lai hy” hai giáp, mối tình ấy vẫn là một ký ức đẹp nhất của cuộc đời Nguyễn Hữu Đang.

“SỐNG THÊM”.- Năm 1992, có một kỷ niệm đọng lại sâu sắc trong cụ. Tháng 11 năm đó, đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ đã tổ chức thượng thọ 80 cho Nguyễn Hữu Đang tại căn phòng mới mà cụ được cấp. Cụ coi đó là cái mốc mà cuộc sống tiếp theo được coi là “thời gian sống thêm” với một quan niệm rất nhân bản: “Cầu sự bình yên trong cảnh thanh bần, tìm an ủi trong tình cảm của những người thân quen, hưởng thú vui thái độ SỐNG ĐỂ XEM” (ba chữ cuối cụ viết hoa).

Như thế là Nguyễn Hữu Đang đã có 15 năm “sống thêm”. Những năm tháng đó ngày càng có nhiều người đến thăm cụ, các phóng viên tìm đến ghi chép lại một vài sự kiện lớn mà cụ đã can dự như phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Ngày Độc lập. Một số đoạn hồi ức của cụ đã lên mặt báo. Phùng Quán đã viết những bài báo về những ngày khó khăn của cụ. Một số nhà lãnh đạo cũng quan tâm đến những chính sách đối với cụ... Hẳn trong “thời gian sống thêm” ấy, Nguyễn Hữu Đang đã sống và xem được nhiều điều. Cụ thường ngồi im lặng rất lâu với nụ cười bình thản trên môi và ngày càng ít nói... Duy trong tầm mắt cụ luôn hướng về tấm ảnh nhỏ chụp chân dung của cụ. Ánh mắt da diết ngỡ người ngoài tưởng cụ đang say sưa soi bóng mình. Chỉ những người thân mới biết rằng lồng bên trong là tấm ảnh người phụ nữ đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng trong cuộc đời của Nguyễn Hữu Đang...

Khai bút Xuân Đinh Hợi

“Việc khó mới giao cho chú”

imgMột tháng trước ngày cụ mất, tôi có mặt trong cuộc hội ngộ của ba con người mà một thời số phận đã gắn kết họ với nhau. Hai cụ nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt đến thăm cụ Nguyễn Hữu Đang (không biết nên gọi là nhà gì, nhớ đến ngày 2-9-1945 có người gọi cụ là “nhà tổ chức”!). Cụ Đang thì đã nằm một chỗ từ lâu, cụ vẫn còn sống nhưng có lẽ không còn xem mà cũng chẳng còn nghe được gì nữa. Cả ba người ngồi bên nhau trầm ngâm, thi thoảng là một câu gọi khẽ: “Đạt đây Đang ơi!”, “Cầm đây Đang ơi!”.

Ngày hôm đó, những ai quan tâm đều biết hai nhà thơ đều đã có quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước năm nay. Nhà thơ còn có tác phẩm để đời. Còn “nhà tổ chức” thường chỉ biết làm cho cái chung, cho người khác nên về cuối đời thường dễ là người “trắng tay”. Không biết có phải vậy hay không? Một tấm huân chương muộn màng trong ý tưởng của những người nặng lòng cũng không thành hiện thực? Thời gian sẽ trôi đi. Lịch sử mãi mãi sẽ chói ngời sự kiện ngày Lễ Độc lập 1945, nhưng còn mấy ai biết đến một con người từng được Cụ Hồ Chí Minh khích lệ: “Việc khó mới giao cho chú !”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo