Lực lượng này sẽ ra mắt trong tháng 9 tới. Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân cho biết, lực lượng mới sẽ hoạt động bên cạnh lực lượng an ninh trên mạng nhưng tập trung vào các vụ việc, các đối tượng có dấu hiệu hình sự
Tại VN, mặc dù loại tội phạm công nghệ cao mới xuất hiện nhưng đã gây ra những hậu quả mà tội phạm truyền thống phải bái phục. Chẳng hạn, bằng thủ đoạn tinh vi, nhập tiền gửi khống trên máy vi tính, trong một thời gian dài, Ngô Thành Lam (Sở Giao dịch Vietcombank) đã rút số tiền tương đương 4,6 triệu USD để tiêu xài, đánh bạc. Trước đó, các cán bộ ngân hàng đã phát hiện một phụ nữ tên là Vũ Hồng Nhung (Hà Nội) sử dụng thẻ ATM của người khác rút số tiền lớn... Cơ quan An ninh cũng đã khám phá một vụ các đối tượng ở phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) dùng tài khoản ảo trên mạng để đánh bạc tại một sòng bạc tít bên... Trung Đông. Bằng thủ đoạn tinh vi, các đối tượng này đã liên tục thắng và được sòng bạc chuyển trả về VN số tiền khổng lồ.
Ngày càng tăng nhanh
Một admin (quản trị mạng) của mạng thetindung.biz (đã bị chặn) từng tiết lộ, mỗi ngày forum (diễn đàn) này tiêu hết khoản tiền tương đương 3 tỉ đồng. Hầu hết số tiền này được dùng để mua những webtemplate đẹp, hosting, domain (tên miền) một cách vô tội vạ. Một phần không nhỏ được chuyển hàng thành công về VN dưới dạng quà và hàng hóa như gấu bông, bánh gatô, sách báo, tạp chí... Các hacker sử dụng số tiền này hồn nhiên tới mức chỉ cần nhấp chuột vào submit (chấp nhận một phiên giao dịch), thông qua hệ thống thanh toán paypal hoặc checkout là hàng ngàn USD được chi tiêu bất hợp pháp.
“Trên thế giới, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tăng rất nhanh cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, năm sau tăng gấp đôi năm trước. Ở VN cũng đã xuất hiện nhiều loại tội phạm trên mạng như lan truyền virus, đột nhập trái phép vào địa chỉ của người khác, lừa đảo qua mạng...”. Đại tá Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế, nói. Theo ông, đặc tính nổi bật của loại tội phạm này là không biên giới, ngồi ở nước này chúng có thể xâm phạm đến mục tiêu thuộc nước khác nên lực lượng an ninh cũng phải mang tính xuyên quốc gia. Nếu chúng ta muốn bắt tay với thế giới thì cần phải có những cam kết quốc tế đấu tranh với tội phạm qua mạng. Lực lượng đặc nhiệm Internet được thành lập nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự bùng nổ số lượng và hoạt động của hacker, các tổ chức tội phạm dùng máy tính để lừa đảo, kinh doanh tình dục trẻ em; lưu trữ và phát tán các ấn phẩm khiêu dâm trên mạng...
Nắm được hệ thống bảo mật (?)
Hacker đột ngột bùng lên sau ngày đại hội của một nhóm hacker mang tên HVA (Hacker Vietnam Association) tại TPHCM. HVA tự nhận mình là tổ chức an ninh mạng lớn nhất VN với số lượng thành viên công bố lên tới 30.000(?). Ngay sau đó, hàng loạt tổ chức hacker như Viethacker, Balkhat, Babylearnhack, Vicki (Đà Nẵng)... xuất hiện. Một diễn đàn hacker tuyên bố nắm được rất nhiều dữ liệu quan trọng của hệ thống website VN và hầu hết máy chủ cung cấp tên miền, hosting quan trọng, trong một ngày “đánh sập” được tất cả những hệ thống website có đuôi. vn. Còn HVA từng tuyên bố nắm được quyền điều khiển các hệ thống bảo mật lớn nhất của VN, kiểm soát được những trang web hàng đầu như Vnexpress, Vnn.vn... Họ có thể khống chế tất cả những hệ thống website tên miền được bảo mật cực vững chắc trên thế giới như enom, registerfly, ICANN. Thậm chí, domain được bảo mật nhất thế giới là Microsoft.com cũng có thể bị khống chế.
Theo thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, “tội phạm hình sự trên mạng” được xác định là các dạng xâm nhập bất hợp pháp vào mạng chuyên dùng hoặc máy tính có nối kết mạng của các tổ chức, cá nhân hay các hành vi đánh cắp, sửa đổi dữ liệu, lừa đảo, đánh bạc qua mạng; lưu trữ và phát tán những ấn phẩm độc hại... Như vậy, tất cả những nhóm tiến hành hoạt động hack (tấn công) sẽ bị đặt ngoài vòng pháp luật mặc dù những nhóm này mới đang hoạt động lấy “vui là chính”, chưa vì một mục tiêu tư lợi đen tối nào.
Mọi người đều có thể ra báo điện tử
Một cán bộ công an cho rằng, việc kiểm soát an ninh trên mạng ở VN hiện nay gặp nhiều khó khăn do thiếu những quy định pháp lý cụ thể. Ví dụ, bất cứ cá nhân nào cũng có quyền lập một webside riêng của mình mà không cần phải có giấy phép của bất cứ cơ quan nào. Nếu như cá nhân sở hữu trang web đó hoặc tổ chức, cá nhân được phép người sở hữu cho phép sử dụng (chưa kể bị đánh cắp) tổ chức thông tin thì trang web cá nhân sẽ không khác gì một tờ báo điện tử đang có phép hoạt động hiện nay. Do tính chất “phi biên giới”, hàng ngàn vạn trang web có nội dung khiêu dâm vẫn được các cá nhân trong nước thường xuyên truy cập; thời gian qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân ở nước ngoài lập ra những tờ báo điện tử có nội dung chống phá Nhà nước ta. Mặc dù vừa qua Bộ Bưu chính Viễn thông đã ra quy định xử phạt, cấm sử dụng đối với những người truy cập vào những trang web có nội dung không lành mạnh nhưng quy định này khó khả thi đối với những người có chút ít kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT).
“Tất nhiên là so với hệ thống pháp lý của các nước khác, những điều luật của chúng ta đến nay vẫn có nhiều khoảng cách và chưa thực sự đầy đủ. Tuy nhiên, nếu cứ thực hiện tốt những quy định hiện hành thì cũng đã có tác dụng phòng ngừa tốt rồi. Cùng với thời gian, hệ thống pháp lý sẽ được hoàn thiện hơn - đại tá Nguyễn Hòa Bình nhận định - Ở VN, mật độ sử dụng máy tính trong dân còn hạn chế và các hoạt động thương mại từ ngân hàng, cơ quan, doanh nghiệp qua mạng chưa phổ biến. Nhưng trong tương lai, việc giao dịch, trao đổi, học tập... qua Internet sẽ tăng lên rất nhiều và theo đó nhiệm vụ sẽ rất nặng nề. Đơn vị đặc biệt này ra đời trong thời điểm hiện nay là kịp thời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người có liên quan đến CNTT”.
Bên cạnh việc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm phòng chống tội phạm Internet còn có nhiệm vụ giáo dục cộng đồng. Thông qua những vụ án cụ thể sẽ cảnh báo công chúng về những thủ đoạn phạm tội, bởi trong nhiều trường hợp, người sử dụng mạng, đặc biệt là giới trẻ, vì không hiểu biết và hiếu kỳ mà phạm tội.
Thiếu tướng Trần Văn Thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục CSND: Tội phạm trong lĩnh vực kinh tế nghiêm trọng hơn cả .Phóng viên: Theo đề án thành lập đơn vị đặc nhiệm chống tội phạm và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự trên mạng Internet, lực lượng này trực thuộc Cục Cảnh sát Kinh tế, nghĩa là vẫn thiên về tội phạm kinh tế nhiều hơn? - Thiếu tướng Trần Văn Thảo: Tội phạm công nghệ cao xuất hiện ở rất nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì kinh tế. Tuy nhiên ở VN, loại tội phạm này xảy ra trước tiên và đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế. Do đó, tạm thời Tổng cục Cảnh sát Nhân dân (CSND) giao cho lực lượng Cảnh sát Kinh tế đảm nhiệm vai trò phòng chống loại tội phạm này. .Như ông đã nói, loại tội phạm này tương đối mới, lực lượng cảnh sát còn chưa nhiều kinh nghiệm. Vậy nguồn nhân lực của lực lượng này sẽ được tuyển chọn từ đâu? - Trước tiên là những nhân viên trong ngành điều tra có năng lực, kinh nghiệm và sẽ được đào tạo về CNTT. Ngoài ra, sẽ tuyển chọn những sinh viên xuất sắc về CNTT từ các trường ĐH và cơ sở đào tạo. .Tội phạm trong lĩnh vực CNTT rất đa dạng. Nếu như dàn trải trên khắp mọi “mặt trận” thì sẽ không đủ nhân lực và đây là lĩnh vực mới. - Trước mắt, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chuyên xử lý các vụ việc vi phạm hình sự trên mạng Internet sẽ tập trung xử lý các đối tượng lợi dụng CNTT, liên kết với các đối tượng tội phạm ở nước ngoài, lợi dụng những kẽ hở trên Internet để lừa đảo. T. Lân thực hiện |
Bình luận (0)