Trong lúc dư luận đang bức xúc với thực trạng phải nộp quá nhiều phí giao thông khi đi qua những công trình đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đề xuất Chính phủ nghiên cứu thành lập Quỹ Bảo đảm an toàn nguồn vốn đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức này.
Thiếu căn cứ pháp luật
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn thu của quỹ được trích từ phí sử dụng đường bộ để thanh toán cho nhà đầu tư và nguồn vay của những dự án BOT mà nhà nước cần mua lại hoặc không có khả năng thu hồi vốn.
Mới đây, Bộ Tài chính cho rằng kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phù hợp với quy định hiện hành nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không nghiên cứu thành lập quỹ.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, với quy định hiện hành, các dự án đường bộ theo hình thức BOT phải bảo đảm phương án thu hồi vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư. Nếu dự án không có khả năng thu hồi vốn, nhà nước sẽ xem xét sử dụng ngân sách để hỗ trợ, bảo đảm phương án tài chính; đồng thời, pháp luật chưa quy định bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư. Vì vậy, khi đề xuất thực hiện dự án giao thông đường bộ theo hình thức BOT, doanh nghiệp (DN) phải nghiên cứu cẩn trọng phương án thu hồi vốn và chịu rủi ro về doanh thu.
Về nguồn vốn hình thành quỹ, Bộ Tài chính cho rằng số tiền phí nhà đầu tư thu được là doanh thu hoạt động kinh doanh của đơn vị. Đơn vị thu phí có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định. Vì vậy, nếu trích từ tiền thu phí để lập Quỹ Bảo đảm an toàn nguồn vốn dự án BOT, để chi trả bảo đảm an toàn vốn của một số dự án khác là không hợp lý, không đúng nguyên tắc tính giá (không phản ánh đúng chi phí sản xuất - kinh doanh của từng hàng hóa, dịch vụ), có thể kéo dài thời gian thu phí của các trạm, gây khó khăn cho việc hoàn vốn của các dự án.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khẳng định trong hợp đồng BOT, vấn đề quan trọng là các nhà kinh doanh phải bảo đảm vận hành có lãi và lợi nhuận này đã được cân đối đưa vào hợp đồng. Trong đó, quyền và lợi ích của các bên, gồm nhà nước và nhà đầu tư, được nêu rõ. Hơn nữa, lợi nhuận của dự án hạ tầng tương đối ổn định, không phụ thuộc vào các yếu tố biến động như hàng hóa. Nếu DN không thỏa mãn các yêu cầu của hợp đồng, nhà nước có thể đấu thầu lại để chọn nhà đầu tư khác nên không có cơ sở để lập Quỹ Bảo đảm an toàn nguồn vốn như đề xuất.
Ưu ái quá đáng
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng đề xuất nêu trên chưa lấy ý kiến rộng rãi từ các hiệp hội, tổ chức xã hội, DN vận tải và người dân. Nếu lấy ý kiến, chắc chắn DN vận tải và người dân sẽ rất bức xúc vì các hợp đồng BOT xây dựng, cải tạo nâng cấp những tuyến đường bộ hiện nay có quá nhiều điều khoản ưu ái, bảo vệ nhà đầu tư nên khi đầu tư BOT thì DN chả có gì rủi ro cả.
“Ví dụ, trong hợp đồng có điều khoản tăng thời gian, tăng giá thu phí nếu mật độ xe ít. Hoặc khi ảnh hưởng bởi thiên tai, người dân không được giảm mức phí trong khi chủ đầu tư BOT được kéo dài thời gian thu phí. Như vậy, làm gì có rủi ro cho nhà đầu tư mà cần phải thành lập Quỹ Bảo đảm an toàn nguồn vốn từ nguồn thu phí của tất cả dự án BOT?” - ông Liên đặt vấn đề.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam, đề xuất nêu trên thể hiện rất rõ quan điểm vì quyền lợi của nhà đầu tư. Thông lệ thế giới cũng như Việt Nam chưa bao giờ có dạng quỹ kỳ lạ như thế. Nếu thấy rủi ro, DN đầu tư BOT có thể mua bảo hiểm hoặc tự trích ra khoản tiền cùng với các hiệp hội thành lập một quỹ để phòng trừ chứ không thể lấy tiền thu phí để làm quỹ.
Luật sư Đức cho rằng đã đầu tư kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro, làm sao có chuyện bảo đảm an toàn vốn được. Có lợi thì nhà đầu tư mới làm. Không có nhà đầu tư này thì còn nhà đầu tư khác. Vì vậy, đề xuất lập quỹ này nhằm “bảo vệ an toàn vốn đến mức tuyệt đối cho nhà đầu tư, bằng một việc hết sức vô lý” là lấy tiền của người dân, của DN để nuôi nhà đầu tư trong mọi trường hợp, tức là biến người dân chịu toàn bộ rủi ro thay cho nhà đầu tư. “Đầu tư thế thì chỉ có ở thiên đường, vừa lãi cao vừa an toàn hơn nhiều lần việc mua trái phiếu Chính phủ” - ông bày tỏ.
Trả lời về việc liệu đây có phải là sự ưu ái quá đáng của cơ quan quản lý với DN đầu tư BOT đường bộ mà đánh vào túi tiền của người dân và DN vận tải hay không, ông Đức khẳng định đúng như vậy. Bởi lẽ, bản thân dự án BOT giao thông hiện nay đã bảo vệ tuyệt đối nhà đầu tư, gần như không có dự án nào không có lãi.
Nhiều doanh nghiệp hăng hái đầu tư
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, vấn đề cần xem xét đối với các dự án BOT là nhà nước có sơ hở gì không mà vừa qua, quá nhiều DN hăng hái đầu tư BOT. Thậm chí, có ý kiến cho rằng dường như phí BOT đang trở nên quá sức đối với xã hội và nền kinh tế vì vừa qua, loại hình đầu tư này tăng nhanh quá. Vì thế, phải rà soát xem chính sách pháp luật có lỗ hổng gì không để bổ sung, chỉnh sửa một cách hệ thống chứ không phải lập quỹ để cứu hay bảo đảm cho nhóm dự án nào.
Bình luận (0)