Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế là 2,09 con/phụ nữ. Khi mức sinh thay thế xuống thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số nhanh, thiếu lao động... Trong khi đó, các chuyên gia dân số cho rằng xã hội càng phát triển thì phụ nữ càng "lười" sinh con.
Áp lực cuộc sống và những thay đổi về trách nhiệm gia đình khiến các gia đình Việt ngày càng ngại sinh con
Có một cậu con trai 9 tuổi nhưng vợ chồng anh Võ Quốc Minh (40 tuổi, ngụ TP HCM) quyết định không sinh thêm con thứ hai và cho biết "sẽ dừng lại ở một con để nuôi dạy cho tốt". "Khi cháu trai được 5 tuổi, hai vợ chồng cũng "lăn tăn" chuyện có thêm đứa thứ 2 nhưng rồi hai vợ chồng lo làm việc, phấn đấu. Giờ kinh tế ổn định một chút thì lại muốn đi du lịch, hưởng thụ cuộc sống" - anh Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), cho biết tính trung bình cả nước thì Việt Nam vẫn ở mức sinh lý tưởng (2,09 con/phụ nữ), nhưng mức sinh ở Việt Nam không đồng đều. Hiện có hai khu vực đang dưới mức sinh thay thế là miền Đông Nam Bộ (dưới 1,7 con/phụ nữ) và đồng bằng sông Cửu Long (1,8 con/phụ nữ). Riêng TP HCM, mức sinh có lúc thấp nhất xuống tới 1,33 con/phụ nữ, còn hiện tại khoảng 1,45 con/phụ nữ, Đồng Nai là 1,47 con/phụ nữ. "Đây là mức sinh rất thấp, tương ứng với các nước đang phát triển ở châu Âu hiện nay. Trong khi đó, tỉ suất này đang tăng cao ở các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc như Kon Tum 3,45 con/phụ nữ, Hà Giang 3,08 con, Tây Bắc 2,24 con" - ông Tân nói.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số KHHGĐ, trong giai đoạn 1977-2017, số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,6 con xuống còn 2,09 con vào năm 2006, đạt mức sinh thay thế và được duy trì ổn định trong suốt 10 năm qua. Mức sinh này bảo đảm mỗi phụ nữ sẽ sinh được 1 phụ nữ "thay thế" khả năng sinh nở của mình trong tương lai.
GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng xu hướng giảm sinh là tất yếu và ngày càng lan rộng. Ở Việt Nam hiện nay, người tham gia quá trình sinh sản là thanh niên dưới 35 tuổi - thế hệ 8X. Họ thấy lợi ích của mô hình gia đình nhỏ không chỉ trên lý thuyết, trong tuyên truyền mà cả trên thực tế. Hơn nữa đây là "thế hệ internet", sống sung sướng, được tiếp thu tri thức hiện đại trong đó có kiến thức về KHHGĐ.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, một số nước đang phải vật lộn với tình trạng giảm sinh, trong đó tại Hàn Quốc, do duy trì quá lâu tỉ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,1-1,2 con và sau nhiều năm dỡ bỏ vẫn không thể phục hồi, khiến dân số già hóa, thiếu hụt nguồn lao động. Tại Trung Quốc, do chính sách "1 con", trong tương lai một người con có thể phải chăm 8 người (bố mẹ và ông bà bên nội và ngoại).
Linh hoạt vận động tăng, giảm sinh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng nên áp dụng chính sách đa dạng, linh hoạt theo từng vùng miền, không thể có chính sách chung do có những vùng mỗi bà mẹ vẫn sinh 4-6 con, có vùng thì nhiều nhà chỉ sinh có 1 con. Những nơi nào đã ổn định mức sinh thì nâng cao chất lượng dân số và duy trì mức sinh hợp lý. Việc sinh đẻ phù hợp, bảo đảm mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", làm chậm lại quá trình "già hóa dân số".
Bình luận (0)