* Phóng viên: Ông có ý kiến gì trước sự cố ở thủy điện Sông Bung 2?
- GS-TSKH Phạm Hồng Giang: Sự cố xảy ra ở thủy điện Sông Bung 2 (tỉnh Quảng Nam) trước hết bị tác động trực tiếp từ dòng lũ, còn cụ thể hơn cần được điều tra, đánh giá đầy đủ. Tôi cho rằng về nguyên tắc, thiết kế công trình thủy điện Sông Bung 2 cần phải xem xét tất cả các vấn đề có thể xảy ra, bảo đảm an toàn khi gặp lũ lớn đối với toàn bộ công trình. Sự cố đã xảy ra cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình. Hồ mới tích nước, mực nước chưa cao mà đã vỡ cửa vào đường hầm. Giả sử chưa vỡ bây giờ thì sau này khi hồ tích đầy nước cũng sẽ vỡ nếu không có biện pháp khắc phục. Vỡ trong trường hợp này thì nguy hiểm đến an toàn đập, mà vỡ đập thì không thể lường được thiệt hại ghê gớm ở hạ du.
Tôi cho rằng lấp dòng thời điểm hiện nay không thích hợp bởi miền Trung đã vào mùa mưa, rất khó có thể bảo đảm kỹ thuật.
* Dường như năm nào cũng có dự án thủy điện gặp sự cố. Theo đánh giá của ông, mức độ các sự cố thủy điện ở Việt Nam như thế nào?
- Trên thế giới, thủy điện phát triển rất mạnh. Bất cứ nơi nào có thể khai thác được nguồn thủy năng thì người ta đều làm. Thủy điện được đánh giá là năng lượng sạch và tái tạo. Trong điều kiện cần hạn chế các năng lượng phát ra từ dầu, than, người ta còn có chủ trương tận dụng làm hết thủy điện nhỏ ở những vùng núi cao mà đến nay còn chưa khai thác do địa thế hiểm trở. Ví dụ ở Na Uy, 97% tổng sản lượng điện là từ thủy điện.
Nhưng tôi chưa thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện nhỏ và vừa như ở Việt Nam. Điều này cho thấy việc làm thủy điện của ta còn thiếu trách nhiệm. Quản lý quy hoạch và quá trình đầu tư được phân cấp cho các địa phương, không có người am hiểu chuyên môn; trình độ, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, thiết kế, thi công đều hạn chế.
Cấp phép thủy điện phải dựa trên quy hoạch nhưng hiện nay, quy hoạch đang bị buông lỏng, nhiều khi có phần dễ dãi . Nhiều người muốn đầu tư vì tuy suất đầu tư ban đầu cho thủy điện cao nhưng làm xong rồi thì chi phí quản lý vận hành lại rất thấp.
* Thủy điện bậc thang được xây dựng nhiều nơi ở nước ta. Trên sông Bung cũng có 5 dự án thủy điện. Sự cố vừa xảy ra khiến nhiều người lo ngại vỡ đập liên hoàn?
- Nhiều năm trước, khu vực Tây Nguyên từng xảy ra vỡ đập liên hoàn do chất lượng hồ đập không bảo đảm. Về lý thuyết, nguy cơ vỡ đập liên hoàn có thể xảy ra khi nước lũ dâng đột biến và thiết kế, thi công các công trình liên quan kém chất lượng.
Với công trình thủy điện Sông Bung 2, lưu lượng nước tràn từ hầm dẫn dòng không ào ạt như vỡ đập. Tuy nhiên, đơn vị quản lý phải xả lũ tràn tại các đập bên dưới và có kế hoạch phòng ngừa. Qua sự cố này, các bên liên quan càng phải thường xuyên kiểm tra an toàn đập để có ngay biện pháp cần thiết.
Một công trình đã đến giai đoạn tích nước như thủy điện Sông Bung 2 lẽ ra phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, vậy nên việc xảy ra sự cố phải được xem là rất nghiêm trọng.
* Theo ông, Việt Nam có nên phát triển thêm thủy điện?
- Bản chất thủy điện chả có lỗi gì, trong khi đây là nguồn năng lượng quan trọng, chiếm hơn 30% tổng lượng điện quốc gia. Nhưng thủy điện không thể được quản lý tùy tiện từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế đến vận hành. Nếu quản lý yếu kém sẽ có tình trạng lợi dụng làm thủy điện rồi tiện thể phá rừng. Khi làm thủy điện, để nâng cao hiệu quả phát điện, việc chuyển nước xuống hạ du sang lưu vực khác là vấn đề thường gặp. Vì thế, bắt buộc phải xả lưu lượng nhất định cho đoạn sông mà dòng chảy đã bị chuyển đi để không ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Những điều này phải được quy định rõ khi cấp phép và buộc chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc.
Thi công có vấn đề
PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đã xảy ra khá nhiều sự cố thủy điện, thậm chí có trường hợp còn vỡ đập. Đối với sự cố tại thủy điện Sông Bung 2, rõ ràng là việc thi công có vấn đề, trong đó có thể do đường ống đã được thi công không bảo đảm, chất lượng không tốt…
Góp ý về nguyên tắc và kinh nghiệm đối với trường hợp thủy điện Sông Bung 2, ông Hoàng Xuân Hồng - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam - cho rằng không nên đóng van cửa ống dẫn dòng vào mùa lũ mà phải mở ra để thoát lũ. Theo ông, không phản đối việc xây dựng thủy điện nhưng quan trọng là phải quy hoạch, thiết kế, thi công và quản lý như thế nào để không gây ra hậu quả đáng tiếc.
Bình luận (0)