Sáng 24-3, một đàn voi rừng hơn 30 con về khu vực lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) và một phần rẫy của người dân để kiếm ăn. Sau khi đàn voi trở lại rừng, một người dân phát hiện có con voi chết tại Tiểu khu 71B. Nhận được tin báo, cơ quan chức năng huyện Ea H’leo phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm xác voi để làm rõ nguyên nhân. Tại hiện trường, con voi đực khoảng 1 năm tuổi, nặng 100 kg chết trong tình trạng mất 1 mảng da lớn và 4 đế chân. “Đàn voi rất hung dữ, không ai dám lại gần nên có thể voi con bị giẫm đạp chết. Khi phát hiện, người dân đã cắt da và đế chân về ăn hoặc ngâm thuốc” - ông Luân nhận định.
Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 3, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 3 con voi nhà chết: 1 con do té ngã và 2 con chết chưa rõ nguyên nhân. Lý giải về việc voi nhà liên tục “chết trẻ” không rõ nguyên nhân, PGS-TS Bảo Huy, trưởng nhóm lập đề án bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết sau nhiều năm nuôi nhốt, tập trung phục vụ du lịch, thiếu chế độ dinh dưỡng, phải ăn những thức ăn không ưa thích... khiến sức khỏe voi nhà ngày càng giảm sút. Bên cạnh đó, do môi trường sống bị thu hẹp, rừng bị tàn phá, bệnh tật không được thả vào rừng để tự tìm cây thuốc khiến sức đề kháng của voi giảm, sinh nhiều bệnh tật. PGS-TS Bảo Huy nói: “Thông thường, tuổi thọ và các giai đoạn phát triển của loài voi tương đương với con người nên việc những con voi ở độ tuổi 30-40 chết là điều hết sức lo ngại”.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, mặc dù trung ương đã bố trí vốn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục để UBND tỉnh giao đất xây dựng cơ sở bảo tồn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận số lượng voi nhà chết ngày một tăng bởi voi ngày càng lớn tuổi nhưng chưa được chăm sóc một cách bài bản và bị lạm dụng trong các hoạt động du lịch dẫn đến kiệt sức. Do đó, tình trạng sức khỏe chung của voi nhà hiện nay chỉ ở mức yếu và trung bình, rất khó khăn cho công tác thúc đẩy sinh sản để bảo tồn.
Bình luận (0)