xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vòng tay nhiệm mầu

Bài và ảnh: ANH THƯ

Vòng tay ấm áp của người mẹ giúp đứa con sinh non được điều hòa thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở, ổn định về tinh thần… và lớn lên từng ngày

“Tâm trạng của tôi chỉ quanh quẩn hết sợ rồi lo. Hôm tôi sinh, một bóng áo trắng đến an ủi: “Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn để chị còn có thể sinh được bé khác…”. Sau khi sinh, tôi cứ nằm chờ mãi mà không biết con mình còn sống hay đã chết” - chị Trần Quế Giang, một bà mẹ sinh non nhiều năm trước, nhớ lại.

Hành trình gian nan

Con chị Giang khi đó chỉ nặng 1,5 kg, yếu đến nỗi không bác sĩ (BS) nào dám khẳng định có cứu được bé hay không. Khi nhận bé về để chăm sóc theo phương pháp Kangaroo, chị chưa kịp mừng thì âu lo lại ập đến. Trước đứa con đỏ hỏn, bé xíu, cái gì cũng mong manh, chị bị stress nặng. “Do tôi không rành cách chăm nên người bé rất dễ bị tím. Thấy vậy, tôi càng lúng túng hơn”. Nhưng rồi, vòng tay và tình thương của người mẹ cũng thành liều thuốc mầu nhiệm giúp đứa bé lớn lên khỏe mạnh.

Tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện (BV) Từ Dũ, sau một thời gian chăm sóc trong lồng ấp ở Đơn vị NICU (chăm sóc tăng cường sơ sinh), khi các vấn đề hô hấp, tiêu hóa đã ổn định, không còn các bệnh lý phải điều trị tích cực và tâm lý gia đình đã sẵn sàng, trẻ sinh non sẽ được chuyển đến Đơn vị Kangaroo. Theo BS Lương Kim Chi, Khoa Sơ sinh, Kangaroo là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân dựa trên ý tưởng loài vật này nuôi con trong chiếc túi ở trước bụng. Mẹ sẽ ôm con trước ngực và bảo đảm lúc nào cũng da kề da, kèm với massage thường xuyên và nuôi bé bằng sữa của mình.

img
Bé Dương Gia Hân trong vòng tay của mẹ (phải), bà nội và bà ngoại

Trở ngại lớn nhất là các bà mẹ thường bị stress sau cuộc sinh nở không suôn sẻ và rất lo sợ khi kề cận đứa con quá mong manh. Ngày về Đơn vị Kangaroo, bé Dương Gia Hân không những làm mẹ mà cả bà nội, bà ngoại cũng lúng túng. Ôm cháu ngoại nặng chỉ 1,3 kg, mân mê những ngón tay bằng phân nửa chiếc đũa của bé, bà Nguyễn Thị Mai tâm sự: “Hai ngày nay biết cách ấp cháu mới thấy hơi vui, chứ mấy ngày đầu tôi không làm được gì cả”. Cùng tâm trạng, bà nội Lê Thị Mai bộc bạch: “Nhà dù đông con, nhiều lần làm mẹ rồi nhưng chưa bao giờ tôi chăm sóc một đứa nhỏ non nớt thế này. Cháu còn yếu, mắt mình lại kém nên cứ sợ làm không đúng, đơn giản như nhỏ mũi cho bé cũng run tay”.

Chị Trần Thị Vân, mẹ bé Hân, đã có lúc kiệt quệ. Sức khỏe kém nhưng phải làm việc vất vả trong một xưởng may tư nhân, không được hưởng các quyền lợi theo pháp luật lao động, chị đã sinh con khi thai mới 30 tuần. Hân gặp vấn đề trầm trọng về hô hấp, phải cần đến những loại thuốc men, kỹ thuật đắt đỏ. Để cứu con, vợ chồng chị đã phải vay mượn nhiều nơi; nhờ thêm bên nội ngoại cầm cả sổ đỏ rồi lặn lội từ Huế vào phụ giúp.

“Nghỉ chăm con lâu ngày, công việc của tôi chắc không giữ được. Mũi thuốc mà Hân từng phải tiêm để cứu mạng nghe đâu đến 17-20 triệu đồng, may mà BV chỉ bắt ứng 1-2 triệu đồng và đang sắp xếp để giảm bớt vì thấy hoàn cảnh chúng tôi khó quá” – chị Vân băn khoăn.

Niềm hy vọng bé bỏng

Nhiều bà mẹ sinh non có một điểm chung: Là lao động nghèo, cố gắng theo đuổi những công việc nặng nhọc để “thêm đồng nào hay đồng đó” chuẩn bị cho sự ra đời của đứa trẻ. Tuy nhiên, đó lại là một trong những nguyên nhân phổ biến của việc sinh non. Trẻ sinh non lại cần sự chăm sóc y tế đặc biệt, tốn kém, lâu dài. Cuộc sống của những gia đình này lại rơi vào vòng luẩn quẩn.

“Hồi đó đi khám, BS nhiều lần dặn tôi phải bớt đi bộ, rồi còn bắt nghỉ làm mấy đợt khi thai có dấu hiệu động. Tôi làm công nhân cho một hãng xe hơi, ở một bộ phận phải di chuyển liên tục. BS bảo nghỉ ngơi một tháng thì chỉ dám nghỉ một tuần vì sợ mất việc. Thế là mới 28 tuần, bé đã ra đời…” - chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền, ngụ Bình Dương, kể.

Sức khỏe kém, chị gần như kiệt sức khi vào viện. “Vào phòng sinh, tôi rất hoang mang, chỉ thấy loáng thoáng một bóng áo trắng lại gần khích lệ: “Phải cố lên chứ, vì con, đừng có buồn”. Vậy là tôi lại cố. Sinh con xong, chỉ kịp nhìn thoáng đứa bé đỏ hỏn, nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong 2 bàn tay một nữ hộ sinh, tôi lại lịm đi” – chị nhớ lại.

Cố gạt bỏ nỗi lo cơm áo và những khoản nợ, Vân cố gắng học thật chuẩn phương pháp Kangaroo để cứu con. Chị khoe: “Hồi mới sinh, bé chỉ nặng 1,4 kg, giờ đã được 1,53 kg rồi. Tôi luôn van vái trời đất cho con mình mạnh khỏe. Đứa con là tất cả hy vọng, động lực để tôi vượt qua những ngày khó khăn này”.

Đơn côi trong lồng ấp

Nỗi lo lớn nhất của nữ hộ sinh trưởng Lê Thị Kim Hoàng, Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ, là những đứa bé sinh non bị bỏ rơi. “Nhiều bà mẹ chắc không chịu nổi hành trình gian nan nuôi những đứa con bé nhỏ, yếu ớt nên đã không bao giờ quay lại BV... Những đứa bé ấy thiệt thòi rất nhiều, khi các cháu khác đủ tiêu chuẩn để chuyển qua Kangaroo, tiếp tục lớn lên trong vòng tay cha mẹ thì chúng vẫn tiếp tục cô đơn trong lồng ấp. Các BS, hộ sinh thấy thương nên cũng thường xuyên bồng ẵm, chăm sóc kỹ hơn nhưng không thể nào bù đắp nổi. Khi trẻ cứng cáp, chúng tôi sẽ gửi đến các trung tâm bảo trợ trẻ em. Ngày các bé đi, không biết chúng đã biết gì chưa nhưng chúng tôi ai cũng thấy lưu luyến và xót xa cho chúng…” - chị Hoàng thổ lộ.

Để phần nào ngăn chặn tình trạng bỏ rơi trẻ sinh non, việc chăm sóc các cháu bao giờ cũng đi kèm với theo dõi cả… bà mẹ. “Phải làm công tác tư tưởng, động viên để các bà mẹ tự tin chăm sóc con và đừng bỏ cuộc vì những người sinh non thường bị stress nặng. Gặp những ca có hoàn cảnh éo le, BV phải chú ý hỗ trợ để họ đừng bỏ dở hành trình” - chị Hoàng giải thích.

Kỳ tới: “Tí hon” khôn lớn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo