Ngày 28-2, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ nhanh chóng xác minh thông tin về nhân thân của 8/14 cô gái vừa được giải thoát trong đường dây đẻ mướn tại Thái Lan để sớm đưa các cô về đoàn tụ với gia đình. Từ vụ này đã nảy sinh vấn đề những đứa trẻ do các cô sinh ra có được mang quốc tịch Việt Nam hay không.
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan động viên các cô gái trong đường dây đẻ mướn. Ảnh: TTXVN
Mang quốc tịch của mẹ
Theo luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TPHCM), 14 cô gái ở ĐBSCL có thể đã được Công ty Baby-101 (Đài Loan) đưa sang Thái Lan với hộ chiếu du lịch để thực hiện các hợp đồng đẻ mướn. “Do Thái Lan chưa có luật quy định cấm đẻ mướn nên nhà chức trách tại đây khó có thể truy cứu trách nhiệm của 14 cô gái Việt Nam.
Bên cạnh việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Baby-101 do có hành vi thuê người đẻ mướn để thu phí trái quy định và nhốt người nhập cư trái phép, cơ quan chức năng Thái Lan sẽ xem xét việc trục xuất các cô gái Việt Nam do trú ngụ lại nước này trái quy định” - luật sư Kính nói.
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
Vì vậy, những đứa trẻ trong trường hợp 14 phụ nữ Việt Nam mang thai hộ ở Thái Lan khi về nước sẽ mang quốc tịch của mẹ (Việt Nam).
Giao con theo hợp đồng (!)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 28-2, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, cho biết vụ đang làm báo cáo gửi bộ trưởng Bộ Tư pháp xin ý kiến về việc này.
“Những đứa trẻ nếu sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đương nhiên được phép khai sinh và được bảo đảm mọi quyền lợi như các công dân khác. Tuy nhiên, có cho phép nhập quốc tịch Việt Nam hay không lại là điều cần phải cân nhắc bởi các cô gái Việt Nam chỉ mang thai hộ, còn tinh trùng và trứng lại không phải của người Việt Nam” - ông Cường nói.
Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, cho biết khi các đứa bé được thực hiện trong hợp đồng đẻ mướn ra đời có thể nảy sinh những tranh chấp về quyền nuôi dưỡng đứa bé.
Bà Lý cho rằng trong trường hợp này phải lấy căn cứ chính là nội dung trong các “hợp đồng đẻ mướn” đã ký kết giữa các cô gái với Công ty Baby-101.
“Nếu trong hợp đồng quy định rõ ràng về chuyện các cô gái phải trao trả những đứa trẻ do mình sinh ra thì bắt buộc họ phải thực hiện để tránh rắc rối tranh tụng” - bà Lý nhận định.
Trong khi đó, luật sư Lê Thành Kính lại cho rằng luật không cấm việc các đứa trẻ này khai sinh và nhập quốc tịch Việt Nam.
“Lúc dưới 18 tuổi, nếu có người tới nhận con thì có thể vụ việc sẽ được đưa ra tòa giải quyết và được xem xét dựa vào hợp đồng đã ký kết và kết luận xét nghiệm ADN; khi đủ 18 tuổi, chúng có quyền xin đổi quốc tịch” - ông Kính cho biết.
Bắt 6 người liên quan
Chiều 28-2, một cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp cho biết Việt Nam và Thái Lan chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp song phương nên trong vụ việc này cần dựa vào sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết. Về lâu dài, những vấn đề liên quan đến hỗ trợ trong các trường hợp kinh doanh đẻ mướn sẽ được các nước khắc phục bằng những quy định và chế tài cụ thể.
Hiện cảnh sát Thái Lan đã nhờ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) hỗ trợ bắt giữ Liang Lung Lo (người Đài Loan), Giám đốc điều hành của Công ty Baby - 101.
Ngoài ra, 5 người Đài Loan khác liên quan đến vụ việc cũng vừa bị bắt và đang trong quá trình thẩm tra.
Báo The Nation dẫn lời cảnh sát cho biết họ đang đợi các báo cáo chính thức từ phía bác sĩ và nhân viên y tế để xác định trách nhiệm dân sự cũng như hình sự của những người có liên quan.
T.Kha – H.Bình |
Bình luận (0)