Đúng 8 giờ 5 phút sáng nay 23-9, sau hơn mười giờ bay, chuyến bay mang số hiệu VN194 của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, mang theo thi hài và di hài của 14 nạn nhân người Việt bị chết cháy tại một xưởng may ở thị trấn Yegoryevsk, ngoại ô Moscow (Nga) vào chiều ngày 11-9 vừa qua.
Mới hơn 5 giờ sáng, tại sân bay Nội Bài, phóng viên Báo Người Lao động gặp anh Đặng Quang Vĩnh, là bác họ của 2 nạn nhân Đặng Quang Ngọc và Đặng Quang Thành. Anh Vĩnh bảo, gia đình thuê 2 xe cấp cứu của bệnh viện để chở thi hài của 2 em về. Gia đình đi một mạch từ quê Nghệ An lúc 9 giờ tối hôm qua (22-9), hơn 4 giờ sáng nay (23-9) thì ra đến sân bay.
Bố mẹ của Đặng Quang Ngọc và Đặng Quang Thành không đủ sức để ra đưa con về. Họ vật vã suốt hơn 10 ngày qua. Đại diện gia đình có cụ Đặng Quang Dương là trưởng tộc họ Đặng, cùng 8 người thân thích nội ngoại nữa.
Những cô, chú, anh, chị từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương của 14 nạn nhân chết cháy tại Nga, lên sân bay từ rất sớm. Suốt nhiều đêm không ngủ. Chú Diến, bố của nạn nhân Phan Hồng Phong ở Quảng Bình, đôi mắt thâm quầng và cố gắng tỏ rắn rỏi để không rơi nước mắt bảo: "Vợ Phong ở nhà làm ruộng. Phong còn hai con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 5 tuổi, đứa bé mới lên 3. Làm sao vợ con nó sống nổi đây cháu ơi".
8 giờ 5 máy bay hạ cánh. Thời gian trôi qua thật nặng nề. Hàng trăm con mắt ngóng chờ những người xấu số. Thêm nửa giờ đồng hồ trôi qua, vẫn chưa có cỗ quan tài nào xuất hiện.
9 giờ vẫn chưa có thêm thông tin gì. Những nhân viên kho và nhân viên an ninh của sân bay trấn an: " các bác, các anh, chị cố đợi. Đại diện Đại sứ quán đang làm thủ tục với sân bay".
9 giờ 15, di hài của 5 nạn nhân đầu tiên được mang ra trong những tiếng khóc nấc. Tiếng khóc xé lòng của chị Trần Thị Phượng khi nhìn thấy di hài của em gái mình là Trần Thị Châu ( Kim Liên,
Anh Nguyễn Quang Thân là anh ruột của anh Nguyễn Quang Thể ở Như Thanh, Thanh Hóa. Anh Thân nghẹn lời: "Thể đi ngày 26-7 (âm lịch) năm 2010, và cũng chết vào ngày 26-7 (âm lịch) năm 2012. Ngày đi cũng là ngày giỗ em tôi. Đau đớn quá".
Không những mất đi người em trai, mà vợ anh Thể, là chị Nguyễn Thị Thoài cũng chết cùng chồng. "Nó để lại đứa con trai 3 tuổi ở cùng bà nội 67 tuổi. Giờ đây, hai bà cháu biết nương tựa vào ai để mà sống hả trời" - anh Thân nấc lên.
10 giờ, 9 chiếc quan tài tiếp theo được đưa ra. Những tiếc nấc nghẹn ngào lại vang lên. Những giọt nước mắt của người thân bên thi hài của những nạn nhân xấu số.
Hình ảnh chị Dung, vợ anh Phong ở Quảng Bình thủ phục bên quan tài chồng khóc ngất, và đứa con chị, cháu Ánh Nguyệt mới hơn 4 tuổi mếu máo sau lưng mẹ, đã làm không một ai có thể cầm lòng.
Các nạn nhân đều giống nhau cái nghèo. Vì miếng cơm, manh áo, nhiều người trong số họ phải cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng để có tiền đi xuất khẩu lao động. Ra đi với ước vọng thoát nghèo, nhưng nghiệt ngã thay, họ đã phải đánh đổi bằng mạng sống.
Trong số 14 nạn nhân, gồm 8 nữ và 6 nam. Có những người tuổi mới đôi mươi, với bao khát vọng còn dang dở. Đó là Đặng Quang Thành và Đặng Quang Ngọc, là hai anh em họ, đều ở xóm 8, xã Bảo Thành, Yên Thành ( Nghệ An). Có 2 cặp vợ chồng nghèo đói, đó là vợ chồng anh Vũ Xuân Thu - Trần Thị Hoản ( Thanh Miện, Hải Dương); vợ chồng Nguyễn Quang Thế - Nguyễn Thị Thoài ( Như Thanh, Thanh Hóa) đều chết, để lại những đứa con thơ dại.
Những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất mẹ. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Nhìn mái đầu bạc của những khuôn mặt già nua, khắc khổ đang rơi lệ. Nhìn bé Ánh Nguyệt, cháu Hiếu, cháu Minh… khóc ngất bên di hài bố, mẹ chúng, ai không rơi lệ đây.
Bình luận (0)