Làm việc với ngành y tế tỉnh Hòa Bình sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Bệnh viện (BV) Đa khoa Hòa Bình rà soát quy trình, phối hợp với cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân khiến 7/18 bệnh nhân chạy thận tử vong (Báo Người Lao Động đã thông tin). Bà Tiến đề nghị nhân viên y tế nhìn thẳng sự thật, trung thực, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chắc chắn có sự cố
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tai biến y khoa luôn rình rập từng giây từng phút, xảy ra mọi nơi mọi lúc, kể cả ở các nước phát triển. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại Hòa Bình rất bất thường và chắc chắn phải có nguyên nhân.
"Lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình có nói nhân viên y tế tuân thủ theo quy trình, vậy tại sao xảy ra sự cố? 10 năm qua vận hành bình thường, giờ không bình thường, chắc chắn phải có sự cố ở một khâu nào đó" - bà Tiến truy vấn.
Bệnh nhân nặng nhất trong vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình vẫn rất nguy kịch
Bộ trưởng yêu cầu BV Đa khoa Hòa Bình rà soát quá trình chạy thận nhân tạo, từ khâu tiếp nhận bệnh nhân, rửa dụng cụ đến vận hành trang thiết bị... để tìm sai sót. Trong vòng một tuần, BV phải nêu rõ nguyên nhân vụ việc.
"Trong nghề nghiệp của chúng ta, có những cái không cần cơ quan điều tra vào cũng biết. Khi xảy ra sự việc thì phải tìm nguyên nhân để khắc phục, phải có người chịu trách nhiệm cho dù đó là sự cố ngoài ý muốn. Tôi mong muốn các đồng chí trung thực, cầu thị để cơ quan điều tra sớm kết thúc, BV sớm trở lại hoạt động phục vụ bệnh nhân. Nếu không sớm khắc phục thì y - bác sĩ càng bị áp lực" - bộ trưởng nhấn mạnh. Bà cho rằng 126 bệnh nhân đang chạy thận tại BV này nếu dừng lọc máu 1-2 ngày là có thể tử vong. Trong khi đó, sau sự cố, nếu khôi phục lại hoạt động Khoa Thận nhân tạo của BV thì cần ít nhất 10 ngày.
Lãnh đạo BV Đa khoa Hòa Bình cho biết ngoài những bệnh nhân được chuyển sang BV TP Hòa Bình tiếp tục chạy thận, số còn lại đã được 3 BV ở Hà Nội tiếp nhận điều trị.
Đến nay, bệnh nhân nặng nhất trong vụ tai biến là bà Nguyễn Thị Bích Ng. (45 tuổi, suy thận mạn, đang điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực BV Đa khoa Hòa Bình). BV Bạch Mai (Hà Nội) đã cử bác sĩ và đưa máy móc hiện đại lên phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân tại BV Đa khoa Hòa Bình. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân vẫn nặng nhưng theo các bác sĩ, đã có chút hy vọng khi huyết áp của bà được kiểm soát, gọi hỏi biết, đồng tử bớt giãn, phản xạ ánh sáng tốt.
Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, ê-kíp bác sĩ của BV này đã mang đầy đủ hệ thống máy ecmo (kỹ thuật hồi sức đặc biệt) đến BV Đa khoa Hòa Bình, đồng thời mời chuyên gia tim mạch đánh giá để có thể phục vụ bệnh nhân.
Với 10 bệnh nhân được chuyển về BV Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo của BV này, cho biết sức khỏe và tinh thần của họ dần ổn định. BV đã sắp xếp chỗ ăn miễn phí để bệnh nhân yên tâm điều trị cho đến khi Khoa Thận nhân tạo của BV Đa khoa Hòa Bình ổn định.
Sẵn sàng hỗ trợ
Liên quan đến việc tiếp nhận bệnh nhân đang chạy thận mạn ở tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Hà Huy Thắng, Giám đốc BV Thận Hà Nội, khẳng định BV này có thể hỗ trợ tiếp nhận 50 bệnh nhân. BV đã chỉ đạo tuyến với các đơn vị lọc thận của Hà Nội tiếp nhận tất cả bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình (trên 100 người).
"Chúng tôi đã tiếp nhận 20 bệnh nhân chạy thận đầu tiên từ Hòa Bình chuyển xuống. Các bệnh nhân được đón tiếp chu đáo, khám sàng lọc để phân loại, được bố trí 2 buồng bệnh với 20 máy chạy thận và ưu tiên chạy thận ngay. Trong trường hợp có thêm bệnh nhân chạy thận khác từ Hòa Bình chuyển xuống, BV vẫn có khả năng tiếp nhận, sẵn sàng hỗ trợ" - ông Thắng nói.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho rằng có nhiều yếu tố phải tuân thủ để ca lọc máu an toàn, trong đó nguồn nước bảo đảm đạt tiêu chuẩn là tối quan trọng. Nước được ví như trái tim của cuộc lọc bởi nếu bẩn, bị rêu hay nhiễm khuẩn, lập tức bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng. Tùy mức độ nhẹ hay nặng, bệnh nhân bị ngứa, sốt, nhiễm trùng huyết…
Theo bác sĩ Dũng, để có nguồn nước thực sự "siêu tinh khiết" trước khi pha chế với dung dịch để chạy thận thì phải kiểm soát ngặt nghèo các yếu tố hóa lý (kim loại), vi sinh vật với hàng chục chỉ số; chất lượng nước phải được xét nghiệm định kỳ toàn diện 3-6 tháng/lần. Tuy nhiên, hằng ngày, ngay đầu giờ vào ca lọc vẫn phải test nhanh chất lượng đối với các chỉ số kim loại. Nếu nồng độ canxi, magiê tăng cao thì sẽ gây tăng huyết áp đồng loạt, nguy hiểm cho bệnh nhân.
Ông Hà Huy Thắng cũng cho rằng quy trình chạy thận đã có, các đơn vị chạy thận đều phải thực hiện song điều quan trọng là quy trình này phải thường xuyên được giám sát. Nếu giám sát không tốt hoặc giám sát đã chỉ ra các tồn tại, sai phạm của đơn vị chạy thận nhưng BV không khắc phục tốt thì tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Rà soát quá trình sửa thiết bị
Sáng cùng ngày, tổ công tác của Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiếp tục làm việc với Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Trước đó, từ ngày 30-5, máy móc, thiết bị của công ty này đã bị niêm phong để phục vụ điều tra.
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình, xác nhận trước khi xảy ra vụ tai biến, Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn đã bảo trì, sửa chữa thiết bị, hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc máu của BV này hôm 28-5.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)