Còn bò được nguyên đơn nhờ tòa giám định ADN để xác định ai là chủ nhân thực sự - Ảnh Su Nguyễn
Ông Ngô Công Tuấn, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, cho biết vụ “tranh chấp quyền sở hữu tài sản” là một con bò giữa nguyên đơn hộ gia đình ông Hà Văn Mươi (SN 1938) và bị đơn hộ ông Vi Văn Khít (SN 1962), cùng ngụ bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), đã đi đến hồi kết khi bị đơn đã đồng ý trả lại bò cho nguyên đơn.
Tuy vụ án đã dừng lại, nhưng với những người làm trong ngành tố tụng huyện Mường Lát, đây là vụ án hi hữu mà từ trước đến nay tòa án huyện này mới thụ lý.
Trước đó, ngày 27-1-2015, TAND huyện Mường Lát có nhận được đơn khởi kiện của gia đình ông Hà Văn Mươi, kiện gia đình ông Vi Văn Khít đã bắt bò của gia đình mình. Trong đơn, ông Mươi cho biết khoảng tháng 3-2014, gia đình ông có mất một con bò. Gia đình đã báo cáo với chính quyền địa phương về việc gia đình có mất một con bò giống đực màu lông đỏ, nặng khoảng 70 kg khi chăn thả tại khu suối của xã.
Đến tháng 10-2014, một số hộ dân bản phát hiện có một con bò vào khu vực trồng màu của người dân trong vùng và thông báo tới chính quyền địa phương. UBND xã Tam Chung đã mời các hộ gia đình trong xã mất bò tới nhận. Tuy nhiên, khi ông Mươi tới nơi thì ông Vi Văn Khít tới trước và nhận đó là bò của gia đình mình.
Tức giận vì bò của mình lại bị người khác lấy mất, ông Mươi đã nhờ chính quyền địa phương và Công an huyện Mường Lát nhiều lần đứng ra phân giải, thế nhưng tất cả đều bó tay vì ai cũng khăng khăng nhận đó là bò của mình và đưa ra những chứng cứ bằng việc tả đặc điểm của con bò gần như giống nhau tuyệt đối. Cuối cùng, ông Mươi đã làm đơn khởi kiện ông Khít ra TAND huyện Mường Lát.
Trong quá trình thụ lý vụ việc, TAND huyện Mường Lát đã cho 2 gia đình đưa ra các chứng cứ để xác định đó là bò của mình, ai tả đúng nhất con bò sẽ thuộc về gia đình đó. Theo đó, ông Mươi miêu tả con bò của gia đình có cắt một hình chữ V ở tai bên trái, chiều sâu khoảng 4-5 cm (cả đàn bò của gia đình ông đều cắt tai như thế), ở bắp đùi bên phải chân sau có một vết sẹo dài 5 cm, rộng 2 cm. Ngoài ra, trên sườn trái con bò có một khối u do bị mũi tên bắn vào, mõm hơi có đốm trắng, hai vai có màu đen đến cổ, được sinh vào khoảng tháng 10-2011, từ con bò mẹ trong đàn. Điều lạ là gia đình ông Vi Văn Khít cũng đưa ra những đặc điểm chính xác giống con bò ông Mươi mô tả.
Tuy nhiên, thời điểm ông Khít thông báo mất bò là vào khoảng tháng 8-2014, trong khi đó gia đình ông Mươi thông báo mất bò từ tháng 3-2014, khi chăn thả ở khu vực núi Lát (xã Tam Chung, huyện Mường Lát).
Trong lá đơn gửi tới TAND huyện Mường Lát, hộ gia đình ông Mươi khẳng định đó chính xác là bò của gia đình, nếu gia đình ông Khít không chịu trả thì nhờ TAND huyện giám định ADN cho bò để tìm ra ai là “chủ nhân” thực sự.
Theo ông Ngô Công Tuấn, Chánh án TAND huyện Mường Lát, lúc thụ lý vụ án tòa cũng có gọi 2 gia đình lên để giải quyết bằng hình thức hòa giải, thỏa thuận với nhau, nhưng hộ gia đình ông Khít kiên quyết không đồng ý. “Khi nhận thấy ông Mươi nói con bò con được sinh ra từ bò mẹ trong đàn và nhờ tòa giám định ADN, nên tòa có cơ sở để lấy mẫu đi giám định. Lúc này, thấy đuối thế và sợ phải chịu án phí và chi phí giám định nếu thua kiện, nên gia đình ông Khít đã đồng ý trả lại bò cho ông Mươi” - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn thì vụ án đang trong quá trình thụ lý chứ chưa đưa ra xét xử, nếu đưa ra xét xử kết quả phần thắng thuộc về gia đình ông Mươi thì ông Khít không những phải chịu án phí mà còn đối mặt với tội “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”.
Sau khi đồng ý thỏa thuận ngày 4-5, TAND huyện Mường Lát đã ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự theo đó ông Hà Văn Khít đồng ý trả con bò tranh chấp cho chủ sở hữu là ông Hà Văn Mươi. Ông sẽ phải trả số tiền công chăm sóc (từ tháng 3-2014 đến tháng 4-2015) với số tiền 6 triệu đồng (Tại thời điểm định giá tháng 4-2015, con bò có trọng lượng 70 kg, trị giá 16 triệu đồng). Bện cạnh đó, ông Khít phải nộp án phí sơ thẩm 200 ngàn đồng.
Chánh án Tuấn nhận định, lần đầu tiên tòa mới nhận một vụ án nhờ giám định ADN cho bò kỳ cục như vậy. “Với những vụ án như thế này, chúng tôi thường khuyên các bên nên thỏa thuận với nhau. Bởi, dẫu sao họ cũng là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết còn hạn chế và đều là anh em họ hàng, chòm xóm với nhau” – ông Tuấn cho hay.
Bình luận (0)