Rất đông người dân thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến chung vui với gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn
Rà soát lại các khâu
Bà Ngân cũng cho hay thời điểm xảy ra vụ án, bà công tác ở VKSND tỉnh Bắc Giang song không thụ lý vụ việc. Trả lời câu hỏi về việc VKSND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra xem xét những điều tra viên làm công tác vào thời điểm xảy ra vụ án chưa, bà Ngân khẳng định VKSND Tối cao sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra, VKSND tỉnh cũng như của tòa án từ khâu điều tra đến truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong vụ án này thuộc về VKSND Tối cao.
Một lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang cho biết nguyên hội đồng xét xử vụ án này có 5 người, trong đó có 2 thẩm phán. Tuy nhiên, một người đã nghỉ hưu, chỉ còn 1 thẩm phán đã chuyển sang làm thẩm tra viên là ông Nguyễn Minh Năng, nguyên chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Năng hiện đang điều trị bệnh tai biến mạch máu não.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang, công an tỉnh đã chỉ đạo tổ làm án, cơ quan CSĐT hiện nay phải báo cáo lại vụ việc. “Nếu điều tra viên nào làm như vậy là không đúng, không được phép, còn sự thật của vụ việc và đúng sai như thế nào phải chờ điều tra, xác minh”. Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập các điều tra viên trong vụ án này (trừ 1 người đã mất) để làm rõ sự việc.
Trong ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ cả với 3 cơ quan TAND, VKSND, Công an tỉnh Bắc Giang để tiếp xúc với những điều tra viên, thẩm phán - chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm ông Chấn- song đều bị từ chối. Trong đó, một điều tra viên hiện là phó Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - địa phương diễn ra vụ án. Khi chúng tôi đến Công an huyện Việt Yên thì được cán bộ ở đây cho biết vị phó công an huyện này không có ở cơ quan, điện thoại cũng không liên lạc được.
Yêu cầu tổ chức “rút kinh nghiệm”
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết chỉ mới nghe qua thông tin đại chúng việc TAND Tối cao công bố hủy 2 bản án đối với ông Chấn. Theo ông Linh , UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm; đây là lĩnh vực theo dõi của ngành tư pháp, những người có trách nhiệm sau này sẽ phải xem xét.
Ngoài ra, ông Linh cho biết sẽ giao UBND huyện Việt Yên và các đoàn thể động viên về mặt tinh thần đối với gia đình ông Chấn, nếu là hộ nghèo thì phải xem xét đúng chính sách. “Đây cũng là gia đình liệt sĩ nên càng phải lưu tâm” - ông Linh nói.
Trong 10 năm qua, gia đình ông Chấn gửi đơn kêu oan nhiều nơi, tỉnh có nhận được hoặc nghe báo cáo không? Ông Linh cho hay: “Mỗi năm, tỉnh Bắc Giang nhận hàng chục ngàn đơn. Giờ nói biết hay không thì phải rà lại. Gần 3 năm phụ trách, tôi chưa nhận được đơn này bao giờ”. Theo ông, UBND tỉnh không có thẩm quyền giải quyết việc này mà chỉ chuyển cho cơ quan chức năng. Việc này là trách nhiệm của cơ quan tư pháp.
Phải chờ công lý
Trở về nhà ông Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên) vào chiều 7-11, chúng tôi thấy người ra người vào vẫn tất tả. Rất nhiều anh em, hàng xóm vẫn đến chúc mừng vì ông Chấn được hủy bản kết tội giết người.
Khác với ngày mới về nhà (4-11), hôm nay ông Chấn đã vui vẻ, hoạt bát hơn nhiều. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông, vẫn nằm trên giường vì ốm. Mọi người đang chuẩn bị đi sang thăm nhà bố mẹ bà Chiến, thắp nén nhang cho người đã khuất.
“Lúc tôi đi tù, cả bố mẹ vợ còn sống, thế mà giờ thì tất cả đều không còn. Chỉ buồn không ai biết tôi có ngày được tự do” - ông Chấn buồn rầu nói.
Nhắc tới cô con gái vẫn đang đi lao động ở nước ngoài để kiếm tiền kêu oan cho bố, mắt ông Chấn rưng rưng: “Hôm tôi được về nhà, nó gọi điện bảo bên Đài Loan người ta bê con lên tung hô như là chiến thắng trong bóng đá. Có người còn làm thơ tặng nữa! Tôi mong nó về sớm với gia đình, ở đất khách một mình tội lắm!”.
Vợ nghi can gọi điện xin lỗi gia đình nạn nhân Chiều 7-11, ông Nguyễn Hữu Bờ (cha của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan; cùng ngụ thôn Me) cho biết vợ của Lý Nguyễn Chung (nghi can ra đầu thú khai nhận việc sát hại chị Hoan vào tối 15-8-2003) từ tỉnh Đắk Lắk gọi điện thoại về nói lời xin lỗi ông bà vì hành vi cách đây hơn 10 năm của chồng mình. Vợ của Chung nói không ngờ lấy phải người chồng từng giết người, giờ cô đang mang thai đứa con thứ hai với Chung, cuộc sống cũng khó khăn nên chưa thể về tạ lỗi ngay được. Theo ông Bờ, việc Chung đầu thú nhận tội, ông cũng chỉ biết vậy, còn ai là hung thủ thực sự thì phải chờ cơ quan điều tra làm rõ. Trong vụ án này, phía gia đình ông Chấn luôn có niềm tin là ông không phạm tội nên tuy ở cùng làng nhưng chưa bao giờ gia đình ông Chấn sang xin lỗi gia đình ông. Tòa án buộc bị cáo Chấn bồi thường cho gia đình bị hại 35 triệu đồng nhưng gia đình ông Bờ cũng chưa nhận đồng nào. |
Phó chánh án TAND Tối cao tin ông Chấn vô tội
Trong khi chuyên gia luật cho rằng việc kháng nghị tái thẩm khiến TAND Tối cao “phủi” được trách nhiệm thì lãnh đạo VKSND Tối cao khẳng định không hề có chuyện này
Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao - cho biết cá nhân ông nghĩ việc nghi can Lý Nguyễn Chung có thể là người phạm tội thực sự nên ông Nguyễn Thanh Chấn có thể vô tội.
Ông Độ cho biết yếu tố quyết định trong vụ án này là việc đầu thú của Lý Nguyễn Chung. Tình tiết mới đó có thể làm thay đổi bản chất vụ án và qua đó sẽ tìm kiếm lại trong quá trình tố tụng trước đây liệu có những vi phạm nhất định. Trả lời thắc mắc về việc nếu Chung không đầu thú thì ông Chấn không có cơ hội được minh oan, ông Độ cho biết tòa án không có chức năng đi kiểm tra, thu thập chứng cứ, nếu thấy sai thì có thể xem xét lại, còn việc minh oan thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ xem xét toàn bộ vụ án.
Vì sao xử tái thẩm mà không áp dụng kháng nghị giám đốc thẩm để có lợi nhiều hơn cho ông Chấn, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận cuối cùng của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng chỉ là bác kháng nghị, chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án điều tra bổ sung lần đầu, các kết luận đều giống nhau.
Lẽ ra, VKSND Tối cao phải ra kháng nghị giám đốc thẩm bản án thì mới quy trách nhiệm của các cơ quan liên quan rõ ràng hơn và giúp số phận pháp lý của ông Chấn sớm được giải quyết. Về việc này, ông Bình nói dù tái thẩm hay giám đốc thẩm thì những vi phạm, nếu có, của các cơ quan tố tụng vẫn bị xử lý.
Kháng nghị giám đốc thẩm thì sớm được
minh oan
TS Vũ Đức Khiển, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng lẽ ra VKSND Tối cao phải kháng nghị giám đốc thẩm vụ án thay vì kháng nghị tái thẩm. Nếu làm theo thủ tục giám đốc thẩm thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ tuyên bố xét thấy việc điều tra, truy tố và kết tội ông Chấn có nhiều sai sót, vi phạm và có chiều hướng bị oan nên trả hồ sơ cho tòa án sơ thẩm xét xử lại theo hướng tuyên bố Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội. Khi đó, ông Chấn sẽ có nhiều khả năng được tuyên vô tội trong thời gian sớm nhất và TAND Tối cao phải đền bù cho ông bởi cấp xét xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm (tù chung thân). Những người xét xử sơ thẩm vừa qua đã nói thẳng với báo chí rằng họ không làm sai bởi tại phiên phúc thẩm do Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xét xử đã không phát hiện những điểm bất thường trong án sơ thẩm, vẫn xử ông Chấn tù chung thân. Đó là lỗi của TAND Tối cao và nếu thực hiện theo quy trình tái thẩm sẽ giúp họ phủi trách nhiệm. |
Bình luận (0)