Liên quan vụ bắt giữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), cảnh sát Tokyo - Nhật Bản đã chính thức yêu cầu dẫn độ 5 thành viên tổ bay khác của VNA để phục vụ công tác điều tra triệt phá đường dây tiêu thụ hàng ăn cắp ở nước này.
Truy 2-3 năm làm việc của tiếp viên Ngọc
Lãnh đạo VNA cho biết cùng với yêu cầu dẫn độ những cá nhân có liên quan, cảnh sát Tokyo còn yêu cầu VNA cung cấp các tài liệu về mô hình hoạt động của tổng công ty, hồ sơ cá nhân của tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng với quá trình nhận nhiệm vụ trên các chuyến bay đến Nhật trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Ngày 27-3, Chi nhánh VNA tại Nhật Bản đã cung cấp tất cả những thông tin, tư liệu theo yêu cầu. Phía cảnh sát Nhật đánh giá đây là những thông tin đầy đủ và không đề nghị cung cấp thêm.
VNA cũng đã ra quyết định đình chỉ công tác nữ tiếp viên đang bị tạm giữ tại Nhật, đồng thời tạm thời đình chỉ bay đối với 5 thành viên tổ bay bị cảnh sát Nhật nghi ngờ có dính líu, gồm 1 cơ phó Boeing và 4 nữ tiếp viên. Các tiếp viên, phi công này cũng đã được yêu cầu viết bản tường trình và tài liệu này sẵn sàng được cung cấp để phục vụ công tác điều tra.
Tuy nhiên, về yêu cầu dẫn độ, VNA phải chờ sự phối hợp của các cơ quan chức năng để thực hiện theo đúng trình tự pháp luật. Trong trường hợp này, giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có hiệp định dẫn độ.
Lãnh đạo VNA cho biết mặc dù hãng đã hết sức chủ động phối hợp với nhà chức trách Nhật Bản ngay từ khi báo chí nước này đưa tin về vụ việc nhưng chưa nhận được phản hồi và thông tin đầy đủ như mong muốn. Việc bắt giữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc được thực hiện ngay khi cô này vừa hoàn thành chuyến bay đến Nagoya. Sau đó 2 ngày, cảnh sát đến đọc lệnh bắt tại văn phòng Chi nhánh VNA ở Nhật, làm việc với lãnh đạo chi nhánh và chỉ từ khi đó, VNA mới có thông tin chính thức từ nhà chức trách Nhật Bản về vụ việc. “Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với cơ quan cảnh sát, hải quan Nhật Bản và Việt Nam để phối hợp cùng ngăn chặn những hành vi tương tự từ cả hai phía nhằm bảo đảm uy tín, hình ảnh của hãng hàng không quốc gia” - lãnh đạo VNA bày tỏ.
Siết lại kỷ luật
Một trong những vấn đề được cảnh sát Nhật yêu cầu VNA cung cấp là các văn bản chứng tỏ hãng đã có giải pháp ngăn ngừa tiếp viên buôn hàng lậu từ trước. Lãnh đạo VNA cho biết việc này đã được quy định tại quy chế nội bộ của đoàn bay, đoàn tiếp viên. Trong quá trình làm việc, 100% phi công, tiếp viên được yêu cầu ký cam kết không buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu. Nếu vi phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đã có những phi công, tiếp viên phải chịu án tù hoặc nhẹ hơn là bị đuổi việc, điều chuyển công tác tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra.
Sau khi tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc bị bắt, VNA đã có thay đổi được xem là khá mạnh tay trong quy chế quản lý hoạt động của tổ bay. Cụ thể, trên đường bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc, nhân viên phi hành đoàn không được mang vali to và 100% hành lý phải được kiểm tra trước khi bay đi và sau khi bay về. Các trường hợp phát hiện mang hàng hóa nhiều hơn mức nhu cầu tiêu dùng đều phải xuất trình hóa đơn và tường trình về mục đích.
Đặc biệt, trách nhiệm giám sát hành lý của phi hành đoàn trong mỗi chuyến bay được giao trực tiếp cho cơ trưởng và tiếp viên trưởng. Hai người này chịu trách nhiệm kiểm soát các thành viên trong phi hành đoàn và được quyền ra quyết định cắt bay nếu thành viên phi hành đoàn do mình phụ trách vi phạm. Trong trường hợp cơ trưởng, tiếp viên trưởng thông đồng cùng xách hàng lậu, hình thức kỷ luật sẽ được áp dụng nặng hơn so với các thành viên còn lại.
Đánh giá về ảnh hưởng của vụ việc đối với VNA, lãnh đạo hãng hàng không này cho biết: “Đây là vi phạm cá nhân nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hình ảnh của VNA”.
Tước giấy phép vĩnh viễn
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh vừa có văn bản yêu cầu VNA báo cáo sự việc liên quan đến việc tiếp viên của hãng bị bắt giữ ở Nhật, đồng thời tăng cường kiểm soát việc nhân viên lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá việc buôn lậu của phi hành đoàn không chỉ ảnh hưởng đến uy tín VNA mà còn ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn của các chuyến bay.
Ông Thanh cho biết theo quy định mới nhất, các cá nhân lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu hàng hóa sẽ bị tước giấy phép hoạt động hàng không vĩnh viễn. Do đó, phi công, tiếp viên “dính chàm” sẽ không còn cơ hội làm việc tại bất cứ hãng hàng không nào ở Việt Nam, trừ khi chấp nhận làm cán bộ không được bay.
“Khai với các nhà điều tra Nhật Bản, tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết cô nhận được đề nghị vận chuyển hàng hóa từ một nam cơ phó. Cô khẳng định không hề biết đó là quần áo ăn cắp. Những món hàng nữ tiếp viên vận chuyển là 21 chiếc áo khoác của hãng Uniqlo - Nhật Bản” - tin từ Asahi TV, ngày 27-3.
Bình luận (0)