Cháu bé được vợ chồng chị Trinh nhận làm con nuôi và đặt tên Bùi Tuyết Ngân.
Túp lều của vợ chồng chị Thạch Thị Xuân tại phường Tân Xuân, rất gần trung tâm thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).
Trên gương mặt già đi trước tuổi 31 bởi cuộc sống quá lam lũ và đẻ quá nhiều, chị Thạch Thị Xuân (mẹ của 2 bé gái sinh đôi) kể: gia đình chị thuộc diện nghèo đói, trong thời gian đi nhặt điều thuê, chị gặp rồi quen anh Nguyễn Văn Nam (SN 1975), từ Trà Vinh lên Bình Phước làm thuê. Khi lấy chồng vào năm 1999 chị được cho của “hồi môn” là mảnh đất 20 m2 để dựng “nhà” làm tổ ấm.
Chị Xuân ngồi trong túp lều của gia đình mình.
Năm 2001 bé gái đầu lòng Thạch Thị Chi ra đời, 2 năm sau thêm một bé gái, rồi tiếp theo là 2 bé trai song sinh (1 bé đã mất lúc một tuổi) và sau nữa là 2 con gái lại nối tiếp, cách nhau 1 năm. Do chị em của Xuân cũng như gia đình anh Nam ai cũng thuộc diện nghèo rớt mùng tơi nên dù sống cạnh nhau nhưng không thể giúp nhau.
Anh Nguyễn Văn Nam (cha đẻ 2 bé gái), bên túp lều của gia đình.
Trong túp lều được dựng trên diện tích khoảng 8 m2, vách nhà được vá chằng, vá đụp bằng tôn rách, ván và bạt nhựa chắp nối, mái lều được phủ bằng bạt, lá xin của hàng xóm. Ngoài 2 cái “giường” ghép từ nhiều tấm ván để đại gia đình 7 người có nơi ngả lưng, tài sản quý giá nhất của vợ chồng chị Xuân chỉ là chiếc xe máy cũ rích mua rẻ với giá 2 triệu đồng để 2 vợ chồng chở nhau đi làm thuê.
Trong khi đứa con gái út được vài tháng tuổi, chị Xuân tiếp tục có thai nhưng do trình độ hạn hẹp, cộng với suy nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ” nên vợ chồng chị Xuân cứ để vậy. Đến ngày 5-1, khi vợ mình đau bụng, anh Nam chở vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, đến chiều cùng ngày chị Xuân hạ sinh 2 bé gái kháu khỉnh. Nhưng chỉ ở với con được một lúc, sản phụ trẻ đã quên đau… trốn khỏi bệnh viện, bỏ lại 2 con sơ sinh vì cả 5 đứa con (lớn nhất 12 tuổi) ở nhà không đứa nào được đi học vì không có tiền, nay lại thêm 2 miệng ăn nữa sợ kham không nổi!
Những đứa con nheo nhóc của vợ chồng chị Xuân
Anh Nam thổ lộ: “Mỗi ngày tôi đi làm phụ hồ được khoảng 150.000 đồng, vợ nhặt điều hoặc trồng mì thuê nhưng phải vào mùa vụ mới có việc làm, nhiều lúc thất nghiệp nhìn vợ với 5 đứa con sống lây lất, tội lắm. Con do vợ mình đứt ruột đẻ nhưng vì quá khốn khó, buộc phải cắn răng cho người ta, người làm cha làm mẹ ai mà không đau”.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài, Bình Phước).
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND phường Tân Xuân (TX.Đồng Xoài), cho biết trong năm 2012, địa phương đã xây nhà tình thương cho chị của Xuân là bà Thạch Thị Rum, nên UBND phường sẽ cố gắng tìm nguồn kinh phí hỗ trợ xây nhà tình thương cho gia đình chị Xuân trong năm 2013.
Đối với việc cấp đất theo Chương trình 134 cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, trước kia địa phương đã cấp cho ông Điểu Lê Lai (cha của chị Xuân) 1 ha, nay đất đã hết và gia đình chị Xuân vừa tách hộ nên không được thụ hưởng, còn việc gia đình nghèo như chị Xuân đẻ liên tục là do cán bộ khu phố không báo lên (!).
Vợ chồng chị Trinh vui mừng sau khi nhận con nuôi
Theo bác sĩ khoa Nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, khi chị Xuân bỏ con, các y bác sĩ đặt tên cho cả 2 bé là Xuân Ngọc 1, Xuân Ngọc 2 để dễ nhận biết. Sau khi báo thông tin, đã có nhiều người tìm đến xin 2 bé về làm con nuôi. Sau khi xác minh, bệnh viện quyết định giao bé Xuân Ngọc 1 (nặng 2,2 kg) cho vợ chồng chị Trinh (15 năm chưa có con) nhận làm con nuôi và được đặt tên mới là Bùi Tuyết Ngân.
Về cháu bé Xuân Ngọc 2 (nặng 1,2 kg khi sinh), cũng đã được 1 cặp vợ chồng hiếm muộn con nhưng khá giả ở Đăk Lăk nhận nuôi.
Bình luận (0)