Cùng ngày, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cùng lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), NN-PTNT đã đi kiểm tra tình hình cá chết dọc bờ biển. Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, từ ngày 18-4 đến nay, ngư dân đã thu gom 30 tấn cá chết. Hơn 1 tuần nay, ngư dân liên tục phát hiện cá chết hàng loạt, chủ yếu là loại cá tầng đáy vùng rạn như: cá hồng, mú, cá hanh, cá chình, cá đuối, mực nang... Khu vực cá chết tập trung từ xã Vĩnh Thái đến xã Vĩnh Thạch, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh); xã Trung Giang, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh).
Cùng ngày, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đến vùng biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền lấy mẫu nước để xét nghiệm tìm nguyên nhân cá chết. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước và đất đáy biển ở 3 vị trí khác nhau, cách bờ trên 300 m. Trước đó, đơn vị này cũng đã lấy mẫu ở vùng biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Trước đó, ở tỉnh này đã xảy ra tình trạng cá biển trong môi trường tự nhiên và cá nuôi lồng (chủ yếu cá giò, cá vẩu) ở cửa biển Lăng Cô, Lạch Giang (Lộc Vĩnh) chết hàng loạt với khoảng 6.000 con.
Theo ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, sở đã lấy mẫu nước biển và mẫu cá chết xét nghiệm. Kết quả cho thấy cá chết hàng loạt do nước biển bị ô nhiễm. “Có dấu hiệu cho thấy cá chết do bị ngộ độc một chất gì đó mà tại Quảng Bình không đủ khả năng để xác định chính xác. Hiện mọi nghi vấn vẫn đổ dồn về KCN Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng khi chưa có kết luận cuối cùng thì vẫn chưa thể khẳng định” - ông Du hoài nghi.
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho hay tại tỉnh Hà Tĩnh cũng xảy ra hiện tượng cá chết bất thường ven biển và các lồng nuôi trên sông gần KCN Vũng Áng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong ngày 21-4 đã có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế về xử lý hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.
Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các nội dung sau: Nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, UBND các tỉnh chỉ đạo người nuôi tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao đầm ven biển vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân.
Lãnh đạo Formosa
Nhà máy chưa hoạt động, không xả nước thải
Một lãnh đạo Formosa cho hay việc nghi ngờ cá biển chết hàng loạt do nước thải từ nhà máy của Formosa ở Vũng Áng thải ra biển là không có cơ sở. “Nhà máy chưa đi vào hoạt động, công ty hiện chỉ xả nước thải sinh hoạt thôi... Sở, Bộ TN-MT đã kiểm tra, nếu lỗi ở công ty thì chắc đã nhận được thông báo rồi” - vị đại diện Formosa tại Hà Nội khẳng định.
Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, cũng cho rằng việc nhà máy nào xả thải gây ô nhiễm không thể suy đoán được mà cần chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Đ.Ngọc
Bình luận (0)