Vụ cá chết ở 4 tỉnh ven biển miền Trung kéo dài gần 1 tháng qua thực sự phải gọi chính xác đó là thảm họa.
Thảm họa là vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường biển, kinh tế biển, kể cả ngành du lịch đang chuẩn bị vào mùa cao điểm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn ngư dân.
Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa trả lời được gì
Thảm họa này cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi mà cơ quan chức năng phải trả lời thấu đáo vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, đời sống của hàng triệu người dân. Người dân hy vọng sẽ được đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) trả lời trong buổi họp báo diễn ra lúc 19 giờ 57 phút tối 27-4, sau cuộc họp kín giữa các bộ, các nhà khoa học về thảm họa cá chết.
Thế nhưng, Bộ TN-MT đã làm các nhà báo, người dân hoàn toàn thất vọng. Thay vì một cuộc họp báo đúng nghĩa của nó, đại diện Bộ TN-MT, thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, đọc một văn bản dài khoảng 2 trang giấy A4 và kết thúc trong sự bất ngờ của hàng trăm nhà báo đã phải chờ đợi hơn 5 giờ vật vã!
Theo văn bản mà thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đọc trước hàng trăm nhà báo thì có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người, tạo nên hiện tượng “tảo nở hoa” hay thủy triều đỏ.
Ông Nhân cũng khẳng định rằng đến thời điểm này chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa hoạt động của Công ty Formosa và các nhà máy với hiện tượng cá chết hàng loạt. Ngay cả các thông số về môi trường cũng đều nằm trong “quy chuẩn quy định”.
Tuy nhiên, những thông tin này cũng không thể trả lời câu hỏi rất quan trọng là vì sao cá chết.
Đây không phải một cuộc họp báo mà chỉ là một cuộc thông báo, thông báo bằng văn bản, ở đó có một người đọc và hàng trăm người nghe - là các nhà báo. Bởi đơn giản không có đối thoại, không có hỏi đáp, không có bất kỳ số liệu khoa học nào để chứng minh những vấn để mà thông báo này đưa ra. Thông báo này càng không đáp ứng yêu cầu cần có thông tin để ứng phó với cuộc sống của người dân.
Có thể kết luận (theo Bộ TN-MT), hiện tượng cá chết là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; do hiện tượng bất thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người, tạo nên hiện tượng “tảo nở hoa” hay thủy triều đỏ.
Thông tin này đã làm an lòng dân chưa, đã đáp ứng được mong mỏi được thông tin của người dân chưa? Chưa! Chính thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trả lời như vậy trong cuộc phỏng vấn với 3 cơ quan truyền thông sáng 28-4.
Quyền được thông tin của người dân trong thảm họa cá chết này không được đáp ứng. Những câu hỏi rất thực tế của người dân như hiện nay có thể tắm biển, ăn cá biển hay không cũng không được ai trả lời. Cùng hàng loạt các vấn đề liên quan đến kinh tế biển, đến hàng vạn lao động nghề biển cũng không được đề cập.
Mắc nợ dân nhiều câu hỏi
Như vậy, thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung như một vấn đề đang bị “treo” ở đó, thậm chí có thể “treo” lâu dài do chưa thể tìm được nguyên nhân làm cá chết.
Trong khi đó, cá biển vẫn tiếp tục chết; Đà Nẵng, Quảng Nam có thể trở thành những địa phương tiếp theo chịu ảnh hưởng của thảm họa này. Những công nhân lặn biển phục vụ cho các công trình của Formosa tại Hà Tĩnh đã có người chết, nhiều công nhân lo âu phải kiểm tra sức khỏe…
Tìm cho được nguyên nhân làm cho cá chết trong thảm họa này rất quan trọng, bởi nếu không giải quyết tận gốc thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống người dân và nền kinh tế đất nước.
Thảm họa đó đang bắt đầu gây hậu quả. Tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động đang thất nghiệp. Trong khi chờ đợi chủ trương của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đang tiến hành cứu trợ mỗi ngư dân ở các xã ven biển 15 kg gạo.
Đó là mới chỉ tính ở tỉnh Quảng Bình, trong khi đó Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, đặc biệt là Hà Tĩnh, ngư dân đang hết sức khó khăn bởi không chỉ cá chết mà hàng trăm tấn ngao cũng đã chết.
Bộ TN-MT vẫn còn “nợ” người dân hàng loạt câu hỏi sát sườn mà người dân có quyền được biết!
Bình luận (0)