Vụ cháy vào khoảng 19 giờ 15 phút ngày 11-10 tại khu đô thị Xa La (Hà Nội) đã thiêu rụi khoảng 200 xe máy, 1 ô tô, 45 xe đạp của người dân để dưới hầm.
Đã phạt vẫn không khắc phục
Nhận định ban đầu về nguyên nhân cháy, đại tá Tô Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy của Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội, nói cháy bắt nguồn từ tầng hầm, tuy lực lượng PCCC dập lửa được ngay sau đó nhưng nhiều xe máy bị thiêu rụi nên khói bốc lên các tầng trên, gây nguy hiểm cho người dân.
Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội - ông Nguyễn Văn Sơn - cho biết tòa nhà này từng được cảnh sát PCCC kiểm tra, cảnh báo và kiến nghị xử phạt rất nhiều lần. “Chúng tôi đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị UBND TP phạt 133 triệu đồng nhưng đến nay, những kiến nghị của cơ quan PCCC và những công việc trong thẩm quyền của chủ đầu tư không được họ thực hiện nghiêm túc” - ông Sơn nói và cho rằng nếu thực hiện nghiêm túc các quy định về kỹ thuật, cụ thể là các thiết bị như máy điều áp, hút khói… bảo đảm hoạt động bình thường thì người dân có thể yên tâm di chuyển xuống theo cầu thang bộ và chỉ mất 10 phút chạy xuống từ tầng cao nhất.
Ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng, cho rằng một tòa nhà cao tầng bị xảy ra sự cố và có hiện tượng khói quẩn, ngạt khí thì thiết bị báo khói phải ngay lập tức phát tín hiệu và bắt đầu kích hoạt hệ thống hỗ trợ xung quanh (như hệ thống bơm gió tự động tại các cầu thang, các quạt hút gió tự khởi động), hệ thống cung cấp điện độc lập trong trường hợp bị cắt điện sẽ tự kích hoạt đẩy ôxy vào để bảo đảm an toàn cho con người bên trong khu vực bị nạn. “Nếu không kích hoạt được hệ thống báo khói cũng như hệ thống PCCC thì tức là hệ thống này có vấn đề” - ông Dung nhìn nhận.
Ông Sơn chỉ ra một thực tế là các tòa nhà khi kiểm duyệt thiết kế luôn bảo đảm khói và nhiệt không xâm nhập được vào thang bộ, cửa có thể tự đóng lại trong trường hợp cần thiết nhưng lại không chấp hành công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ với hệ thống PCCC, dẫn đến khi nguy cấp thì hệ thống này không vận hành được.
Hệ chống chống sự cố phải bảo đảm
Về việc hiện có quá nhiều chung cư cao tầng trong khi thang cứu hộ mới chỉ đến khoảng tầng 18, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, cho rằng đối với nhà cao tầng, hệ thống báo cháy, chữa cháy, thoát nạn phải bảo đảm chứ không dựa vào thang bởi mục đích của thang là chỉ sử dụng để vận chuyển trong những trường hợp đặc biệt. “Thang chỉ đưa trường hợp cấp cứu xuống. Nếu chung cư có hàng ngàn người mà thang mỗi lần đưa xuống được 2 người thì bao giờ mới hết? Hiện thang của Hà Nội mới lên tới tầng thứ 18. Lên cao quá, gió lắc là phải xuống ngay. Không nên đổ tội cho thang mà tòa nhà khi đã phê duyệt là tất cả hệ thống PCCC, hệ thống thoát nạn phải bảo đảm cho người sinh sống trên tòa nhà ấy. Quy chuẩn, tiêu chuẩn đã quy định cao bao nhiêu thì phải bảo đảm hệ thống thoát nạn, hệ thống PCCC như thế nào. Trong quá trình sử dụng phải duy tu, bảo dưỡng thường xuyên” - ông Thiều nhấn mạnh.
Ông Thiều cũng cho rằng dân sống trong chung cư phải thực hiện nghiêm nội quy của tòa nhà về công tác PCCC để không xảy ra hoặc hạn chế thấp nhất thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra. Người dân cũng nên đi nghe những buổi tuyên truyền về kỹ năng thoát nạn. Khi nghe báo động cháy thì phải ra nơi thoát nạn nhanh nhất là cầu thang bộ.
UBND TP Hà Nội ngày 12-10 cũng đã chỉ đạo UBND quận Hà Đông bố trí địa điểm, hướng dẫn các hộ gia đình tạm cư, đồng thời thực hiện phương án bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của người dân trong khi tạm cư… Cảnh sát PCCC TP phối hợp với Công an TP và các ngành chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, đề xuất xử lý; chủ đầu tư công trình, BQL dự án khu đô thị Xa La phối hợp cơ quan chức năng bảo đảm các điều kiện sinh hoạt của người dân.
Một số kỹ năng thoát nạn
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết việc mua trực thăng chuyên dụng phục vụ chữa cháy vẫn chưa được áp dụng bởi chi phí rất cao. Việc chữa cháy nhà cao tầng tại TP HCM hiện vẫn khó khăn do chỉ có xe thang chữa cháy cao 72 m (tương đương tòa nhà 24 tầng), khó phát huy tác dụng. Đối với nhà cao tầng, ngoài xây dựng thang máy bình thường thì phải trang bị thêm hệ thống thang máy cứu hộ dành riêng cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Khi xảy ra sự cố, thang máy cứu hộ sẽ được các chiến sĩ sử dụng để dập lửa. Không phải có xe thang là hiệu quả bởi dập lửa bên ngoài không bằng dập lửa chính bên trong. Nhà cao tầng còn phải trang bị thêm đèn chiếu sáng sự cố, lối thoát hiểm an toàn.
Đối với nhà cao tầng, khi cháy thường có khói độc nồng độ cao, lửa cháy lan rất nhanh. Người dân gặp trường hợp nói trên phải thực hiện những “mẹo” sau để thoát nạn: Không sử dụng thang máy, tìm cầu thang bộ và cầu thang thoát hiểm. Trên tay nên cầm ít nhất một thiết bị dập lửa. Nếu phải băng qua lửa hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu. Nếu có khói lùa, lửa lan sang phòng cần dùng vải, giẻ ướt chặn lấy chân cửa và cúi người thấp sát mặt đất hoặc ra phía cửa sổ kêu cứu.
L.Phong
Bình luận (0)