“Những phát ngôn trên khiến dư luận nghĩ không tốt đối với người đã mất
và đối với gia đình chúng tôi. Chúng tôi không muốn làm lớn chuyện
nhưng vì điều đó đã khiến nỗi đau đè lên nỗi đau. Hãy để cho gia đình
chúng tôi sống và các con tôi được ngẩng cao đầu” - trích thư của bà Nở. |
Trong thư, bà Nở viết bà và các con trong lúc đang rất đau lòng khi mất một người chồng, người cha sau vụ tai nạn thảm khốc, nỗi đau chưa nguôi thì tiếp tục bị sốc khi ông Đảo trả lời trên truyền thông với nội dung: Không hiểu lý do gì mà tài công Phạm Duy Phúc lấy nhầm ca nô H29 BP thay vì lấy ca nô KH0606, để vận chuyển người.
Ông Đảo cũng giải thích ca nô H29 HP để trong bến của nhà máy, có sẵn chìa khóa và tài công Phúc đã khởi động được ca nô và xuất bến (!?).
Bà Nở bức xúc cho rằng việc trả lời của ông Đảo trên báo chí với nội dung trên là một hành vi trốn tránh trách nhiệm của người đứng đầu công ty, đổ lỗi cho người đã chết và gia đình bà không thể chấp nhận lời nói này.
Theo bà Nở, vì trước khi xuất bến, chồng bà đã có quyết định của công ty ký ngày 2-8-2013 về việc bổ nhiệm ông làm Đội trưởng đoàn tàu chạy thử trong xưởng. Tại điều 2 của quyết định này ghi rõ chồng bà được quyền sử dụng tàu H29 BP và H790 BP của Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo bà Nở, việc chồng bà lái tàu đưa khách của ông ty đi Tiền Giang và chuyến ngược lại là nhiệm vụ công ty giao.
Vợ của tài công thiệt mạng cũng khẳng định không phải chồng bà là người “không hiểu biết” để tự tiện lấy ca nô làm việc riêng cho gia đình, vì ông từng là một thuyền trưởng hải quân đã về hưu rồi mới ký hợp đồng lái tàu cho công ty.
Bà Nở cho hay khi gia đình bà đã tìm thấy quyết định bổ nhiệm nói trên sau khi nhận lại tài sản của ông Phúc do đơn vị cứu hộ bàn giao. Người vợ của tài công xấu số cũng khẳng định trong thư, quyết định bổ nhiệm trên của Công ty Việt - Czech đã ghi nhầm tên của chồng bà từ Phạm Duy Phúc thành Vũ Duy Phúc.
Bình luận (0)