Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (gọi tắt là Trung tâm HTNN) đã xây dựng chương trình “Trái tim Việt Nam” với khoảng 40.000 người tham gia, thu được hơn 20 tỉ đồng, mục đích giúp nông dân có thể... làm giàu. Tuy nhiên, việc làm của trung tâm này bị cho là có nhiều bất thường.
Chủ yếu tặng váng sữa, bánh ngọt
Ngày 11-11, theo kiểm chứng của chúng tôi, trong danh sách những người được Trung tâm HTNN cấp chứng nhận trao 50 triệu đồng xây nhà tình nghĩa, có trường hợp của bà Nguyễn Thị Hái (ngụ xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), đại diện cháu Nguyễn Xuân Bắc (mồ côi cha mẹ). Bà Hái khẳng định do chưa xây nhà nên đến giờ vẫn chưa nhận được tiền. Trong khi đó, giấy biên nhận nhận tiền thì bà đã ký.
Trung tâm HTNN cũng cung cấp danh sách một số người dân đã nhận sổ tiết kiệm. Trong danh sách này có một số người ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông Nguyễn Bá Mậu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, xác nhận phía Trung tâm HTNN cam kết hỗ trợ tổng cộng 52 triệu đồng cho 10 trường hợp, đến nay, mỗi người đã nhận đợt đầu 700.000 đồng. Riêng cam kết hỗ trợ nhà tình nghĩa 50 triệu đồng/căn, mỗi gia đình cũng đã nhận 20 triệu đồng. “Tôi chưa thấy có vấn đề gì ở trung tâm này (?)” - ông Mậu khẳng định.
Trong hồ sơ mà Trung tâm HTNN cung cấp còn có hàng trăm thư cảm ơn. Đáng chú ý là phần lớn những lá thư này cảm ơn một công ty vì đã tặng váng sữa, bánh ngọt...
Nhiều lần mời làm việc
Trước những lùm xùm của Trung tâm HTNN, từ giữa tháng 10 vừa qua, Cục An ninh thông tin - truyền thông (A87) thuộc Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã mời bà Lê Thị Hằng, Tổng Giám đốc Trung tâm HTNN, lên làm việc để cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung đơn thư tố cáo. Đầu tháng 11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định cũng đã mời lãnh đạo Trung tâm HTNN lên làm việc để làm rõ vụ việc hội viên của trung tâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, tháng 8-2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện tại nhà bà Hoàng Thị Tình (ngụ phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) có treo biển, logo của Trung tâm HTNN, thường xuyên tập trung đông người với mục đích bán hàng thực phẩm chức năng. Hiện cơ quan công an này đang điều tra các thành viên của trung tâm có dấu hiệu lôi kéo nhiều người tham gia dưới dạng đa cấp không phép.
Tại Hà Nội, sau khi bị Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh, bà Lê Thị Hằng và ông Trần Văn Trung (Chủ tịch HĐQT Trung tâm HTNN) lôi kéo hàng trăm người đến đơn vị này gây rối. Đến ngày 6-11, Công an TP Hà Nội đã triệu tập lãnh đạo trung tâm để làm rõ vụ việc.
Vi phạm hoạt động từ thiện
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì chỉ có ngân hàng, các tổ chức tín dụng mới được huy động và nhận tiền gửi, phát hành chứng chỉ tiền gửi (sổ tiết kiệm). Nếu Trung tâm HTNN không được cấp phép hoạt động ngân hàng thì việc huy động tiền gửi là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, chương trình “Trái tim Việt Nam” là một hoạt động từ thiện xã hội thì lại càng không được phép nhận tiền gửi.
Trường hợp chương trình “Trái tim Việt Nam” là quỹ từ thiện hoạt động liên tỉnh thì theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 16 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ, phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Cho dù được thành lập theo đúng quy định của pháp luật cũng phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện và không vì lợi nhuận theo quy định tại điều 4 nghị định nêu trên.
“Trung tâm HTNN huy động và nhận tiền gửi với danh nghĩa từ thiện thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam” là có nhiều điểm mờ ám, lợi dụng sự hám lợi và lòng nhân đạo của người dân” - luật sư Toàn nhận định.
Bình luận (0)