Thời gian qua, dư luận xôn xao trước việc cơ quan chức năng vào tận trường áp giải em Đỗ Quang Thiện, học sinh lớp 12, để thi hành án trong khi vụ việc có dấu hiệu oan sai.
Nhiều người nghi ngờ kết quả của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk khi đưa ra kết luận ông Lê Phước Thọ bị chấn thương sọ não, liệt nửa người do tai nạn giao thông để tòa án căn cứ tuyên phạt Thiện 9 tháng tù giam về hành vi gây tai nạn. Trong khi đó, gia đình em Thiện lại một mực kêu oan, cho rằng ông Thọ tự nhiên té ngã vào xe Thiện.
Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk - nơi ông Thọ điều trị, cũng có công văn cho rằng ông Thọ bị đột quỵ liệt 1/2 người trái do xuất huyết não… Đây là bệnh nội khoa, không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể đột quỵ xuất hiện làm cho bệnh nhân té xe trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường.
Em Thiện (giữa) được gia đình, bẹn bè đón lúc ra khỏi trại tạm giam
Ngày 4-6, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Từ Công Hiển, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, cũng là người trực tiếp giám định thương tật cho ông Thọ.
Bác sĩ Hiển cho biết sau khi nhận được đề nghị trưng cầu giám định pháp y của công an, trung tâm đã căn cứ vào các tài liệu do cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột cung cấp để khám giám định thương tích cho ông Thọ và kết luận thương tích của ông Thọ là phù hợp với bảng tỉ lệ thương tật trong thông tư của liên bộ.
Lúc đó, trong hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk mà ông Thọ điều trị trước đó cho biết bệnh nhân vào viện do một vụ tai nạn giao thông, sau tai nạn thì đau ngực, liệt nửa người rồi dần dần lơ mơ. Bệnh viện chẩn đoán tụ máu nội sọ, xuất huyết não mà không có từ nào nói do đột quỵ hay do bệnh lý như công văn mới đây của bệnh viện.
Cũng theo bác sĩ Hiển, sau khi nhận được đơn khiếu nại ngày 18-12-2013 của gia đình em Thiện trung tâm pháp y đã có công văn gửi gia đình em Thiện và cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột. Trong đó, nêu rõ "Nếu thấy không thỏa đáng với kết luận thương tích của ông Thọ, đề nghị yêu cầu cơ quan CSĐT cho đương sự đi giám định lại ở tuyến trên theo luật định. Yêu cầu giám định lại và giám định ở đâu là quyền của cơ quan CSĐT".
"Có một số thông tin cho rằng trung tâm chỉ giám định qua hồ sơ tài liệu mà không tới khám là không đúng. Vụ việc này, tôi đã trực tiếp gặp ông Thọ, lúc ông đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk để khám và giám định"- ông Hiển khẳng định.
Bác sĩ Hiển cung cấp văn bản trả lời khiếu nại của gia đình em Thiện
Lý giải vì sao có sự "vênh nhau" giữa bản kết luận pháp y thương tích của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk và công văn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngoài những yếu tố có trong hồ sơ vụ án, kết luận pháp y thương tích của ông Thọ vào ngày 8-10-2012 lúc ông đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, còn công văn phúc đáp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk ban hành ngày 26-9-2013, cách nhau gần 1 năm, thời điểm khác nhau nên kết luận có thể khác nhau.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 20-9-2012, trong quá trình tham gia giao thông, xe máy của Thiện va vào xe máy của ông Thọ. Kết luận pháp y là ông Thọ bị chấn thương sọ não, liệt nửa người trái, tỉ lệ thương tích 50% do bị tai nạn giao thông. Tòa án sơ thẩm đã tuyên phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo đối với Thiên nhưng Tòa phúc thẩm đã tăng hình phạt lên 9 tháng tù giam. Sáng 2-4, công an đã đến tận trường áp giải Thiện để thi hành án gây xôn xao dư luận.
Ngày 20-5, TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị bản án và quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án đối với Đỗ Quang Thiện đến khi có kết quả xét xử giám đốc thẩm.
Bình luận (0)