Trong khi đó, "bằng đại học" do ông Nguyễn Văn Hoàng nộp cho tổ chức có dấu hiệu cạo sửa, bị làm mờ ở những câu chữ thể hiện loại hình và thời gian đào tạo.
Quyết định kỷ luật ông Nguyễn Văn Hoàng
Ngày 25-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phước Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, để làm rõ hơn những "lùm xùm" liên quan Chánh Văn phòng Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ - ông Nguyễn Văn Hoàng. Theo ông Sơn, việc Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Hậu Giang (cũ) ghi ông Hoàng tốt nghiệp ĐH "dài hạn tập trung" trong quyết định bổ nhiệm cán bộ này vào Ban Thanh tra UBND tỉnh là "sai sót kỹ thuật".
Mẫu quyết định thời đó được đánh máy sẵn, có dòng chữ "thuộc hệ đào tạo dài hạn tập trung", chỉ điền thêm một số thông tin mới. Sau đó, những rắc rối tiếp tục phát sinh khi ông Hoàng khai tốt nghiệp ĐH chính quy trong hồ sơ dự thi tuyển nâng ngạch thanh tra. Ông Sơn cho rằng nếu ông Hoàng khai đúng như văn bằng thì có thể vẫn được xem xét cho đăng ký thi.
Quy định của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ lúc đó không đề cập ĐH chính quy hay không, dài hạn hay ngắn hạn…; chỉ yêu cầu đối tượng dự thi phải là người có quá trình từ 9 năm trở lên ở ngạch thanh tra viên. "Vấn đề ở đây là công tác quản lý hồ sơ thiếu chặt chẽ, trong khi hội đồng xét tuyển cũng sơ sót. Khi người ta đi thi và có quyết định trúng tuyển rồi thì muốn thay đổi cũng khó, phải qua nhiều thủ tục phức tạp. Cái này người ta đăng ký, mình thẩm định cho đi thi và họ thi đậu hẳn hoi chứ có phải cử tuyển gì đâu" - ông Sơn cho biết.
Bản photocopy bằng ĐH của ông Nguyễn Văn Hoàng
Cũng theo Sở Nội vụ, lúc đó, TP Cần Thơ chỉ có 3 người được thi nâng ngạch thanh tra viên lên thanh tra viên chính, trong đó có ông Hoàng. "Có lẽ do thiếu chỉ tiêu nên hội đồng tạo điều kiện cho anh Hoàng được dự thi" - ông Sơn nhận định.
Tại buổi làm việc, ông Sơn có đưa cho phóng viên xem bản photocopy "bằng tốt nghiệp ĐH" của ông Nguyễn Văn Hoàng và khẳng định ông Hoàng đã học tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM 4 năm (từ 1986 đến 1990) chứ không phải 9 tháng như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường có thể thấy rõ bằng tốt nghiệp có dấu hiệu bị cạo xóa ở một số chi tiết liên quan hệ đào tạo và thời gian theo học. Cụ thể, các chữ "ngắn hạn" không còn, chỉ còn các chữ "tập trung"; khóa học thì chỉ thấy rõ năm "1990", số phía trước cũng bị cạo mất một nửa.
Về vấn đề này, ông Sơn nói: "Trong quá trình thanh tra, kiểm điểm, Sở Nội vụ cũng đặt vấn đề bằng có dấu hiệu bị cạo sửa, hư hỏng, lem luốc khiến dư luận nghi ngờ. Anh Hoàng trả lời là do điều kiện nhà ở khi đó khó khăn nên nhiều giấy tờ bị ướt. Đó là cách giải thích cá nhân, chúng tôi đã phê bình về việc giữ gìn những tài liệu văn bằng cá nhân không tốt gây khó khăn cho công tác tổ chức. Chúng tôi thấy cũng chưa đến mức cần phải nhờ đến Phân viện Khoa học hình sự giám định".
Bình luận (0)