Sáng 1-4, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã triệu tập cuộc họp khẩn đối với các cơ quan chức năng tỉnh này, yêu cầu kiểm tra gấp Khu Du lịch Hòn Bà - Yersin, báo cáo trước ngày 3-4.
“Không có cây nào bị chặt hạ”(!)
Ngay trong ngày, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra Khu Du lịch Hòn Bà - Yersin xây dựng trái phép trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Đoàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa chủ trì với sự tham gia của đại diện các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND huyện Cam Lâm, Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Đoàn do ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra các công trình xây dựng tại đây, như ngôi nhà sàn bên dưới dùng làm nhà hàng, bên trên dùng làm chỗ nghỉ cho khách đoàn, 5 bungalow được xây dựng trong rừng và kiểm tra các cánh rừng dọc các lối đi.
Qua kiểm tra, ông Nguyễn Tuấn Kiệt khẳng định không có cây nào bị chặt hạ như báo chí phản ánh. Chỉ vào một cây gỗ nằm bên lối đi, ông Kiệt kết luận luôn: “Cái cây này là do mục đổ, một số cây trong rừng cũng khô mục, thời gian tới cũng đổ thôi. Không phải dấu chặt đâu. Nếu có người chặt trộm thì họ vác đi chứ chẳng để như thế”.
Đề cập các công trình nhà sàn, bungalow, ông Kiệt cho rằng nó không ảnh hưởng gì lớn đến cây rừng vì được xây dựng trên các nền nhà cũ có từ thời bác sĩ A. Yersin lên đây lập trại nghiên cứu. “Năm bungalow đã làm từ năm 2011 trên nền nhà cũ của ông Yersin. Còn nhiều nền nhà cũ bằng gạch đấy. Vì vậy, không có cây rừng nào bị đốn hạ cả” - ông Kiệt quả quyết.
Tuy nhiên, có lẽ ông Kiệt không để ý một điều, đó là ông Yersin lên đây xây dựng trại nghiên cứu từ năm 1915. Thời ấy, Việt Nam không thể có những loại gạch có hoa văn hiện đại, không phải loại gạch được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Yasaka Sài Gòn - Nha Trang lót nền làm chỗ cắm trại cho khách du lịch.
Đã xử phạt nên được tồn tại
Ông Kiệt còn khẳng định qua kiểm tra, không có tình trạng du khách đốt lửa trại trong rừng. Trong khi đó, các nhân viên phục vụ tại khu du lịch này thừa nhận ở đây vô tư đốt lửa trại khi khách yêu cầu, chi phí chỉ 200.000 đồng. Về việc này, ông Kiệt phủ nhận: “Có lửa trại gì đâu. Hơi đâu mà nghe mấy ông nhân viên. Hút thuốc còn cấm mà sao cho đốt lửa trại. Vả lại, ở đây có chốt kiểm lâm nữa!”.
Về việc kiểm tra các công trình xây dựng trái phép ở đây, ông Kiệt nói: “Cái đó thì mình cũng… không có hỏi sâu. Mà cái đó đã bị phạt rồi, phạt vì không có giấy phép, thời hạn cũng đã kéo dài rồi. Nó cũng đâu có kiên cố, làm bằng gỗ, có thể dỡ bất cứ lúc nào”. Khi đề cập những công trình trái phép này đã bị xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại, ông Kiệt cho rằng có thể do pháp luật về xây dựng lúc đó (tức năm 2012, khi UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định xử phạt các công trình này) quy định như vậy. “Hồi trước, tôi nhớ là làm nhà không phép chỉ có phạt thôi, ở thành phố cũng vậy. Phạt 200.000 đồng rồi cho tồn tại. Chỉ mới 2-3 năm nay mới làm căng thôi” - ông Kiệt biện hộ.
Vì cho rằng các công trình xây dựng trái phép trên “không có ảnh hưởng gì mấy”, ông trưởng đoàn kiểm tra đã đưa ra kết luận… đẹp lòng chủ đầu tư. Theo đó, đoàn kiểm tra đề xuất vẫn cho tồn tại các công trình này nhưng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật. “Xử phạt cũng xử phạt rồi nên đề nghị giữ nguyên trạng. Không được mở rộng, cơi nới, xây thêm gì nữa” - ông Kiệt nói.
“Nghị định cho phép, biết làm sao!”
Trước băn khoăn của dư luận về việc tồn tại một khu du lịch trái phép ngay trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, ông Kiệt trần tình: “Lo lắm chứ. Tôi cũng muốn đừng làm gì hết để mình giữ rừng cho khỏe nhưng nghị định cho phép, biết làm sao! Nếu không cho thì mình cấm ngay đi chứ!...”.
Bình luận (0)