Phóng viên: Ông giải thích thế nào về phần mềm Earth Explorer có in “đường lưỡi bò” - một vấn đề vô cùng nhạy cảm vì đụng chạm đến chủ quyền quốc gia?
- Ông Bùi Việt Hà: Biết quá chứ! Tôi còn đau hơn anh gấp nhiều lần. Như tôi đã giải thích trên Facebook cá nhân, câu chuyện này liên quan đến nhóm viết sách giáo khoa (SGK) tin học cấp THCS. Tôi là một trong các tác giả của sách này chứ không liên quan đến School@net. Trong chương trình khung tin học có một chủ đề là “Sử dụng phần mềm máy tính để ứng dụng học các môn khác”. Một chủ đề chung như vậy nên chúng tôi phải lựa chọn các phần mềm để cho học sinh làm quen.
Vậy sao lại để sót lỗi như vậy, phải chăng do không có cơ quan nào kiểm soát?
- Ngày xưa có ai để ý đâu vì lúc đó chúng tôi mày mò tìm phần mềm để giúp học sinh cách tìm bản đồ, là chương trình dạy tin học, không phải dạy môn địa lý. Năm 2006, chúng tôi thấy trên internet có phần mềm này hay hay thì lấy xuống để giúp các cháu cách xem bản đồ (phóng to, thu nhỏ).
Thời điểm đó, các phần mềm giáo dục của Việt Nam hầu như không có nên nhóm tác giả đã quyết định chọn một số phần mềm của nước ngoài, trong đó có phần mềm này vì lúc đó các trường chưa có internet nên không thể chọn Google Earth. Các phần mềm chọn đều phải là miễn phí hoặc bản dùng thử do chúng ta không thể mua bản quyền vì không có tiền.
Đến năm 2007, phần mềm này chính thức được đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012 thì phát hiện có đường kẻ vàng mô tả “đường lưỡi bò”. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo Bộ GD-ĐT để sửa đổi nhưng bộ cứ họp hành mãi nên năm 2013 mới tiến hành sửa để in mới vào năm 2014.
Nhưng sản phẩm này của Công ty Motherplanet, trụ sở chính ở Thượng Hải - Trung Quốc, thì càng không thể tùy tiện sử dụng vì đây không phải lần đầu các nhà cung cấp nước này sử dụng “đường lưỡi bò”!
- Chúng tôi có để ý đâu. Đến ngày 23-12, khi xem kỹ lại mới phát hiện dòng chữ rất nhỏ nêu tên nhà cung cấp có trụ sở chính ở Thượng Hải mà không hề nói thuộc Trung Quốc hay Mỹ.
Vậy là có sự buông lỏng khâu kiểm duyệt sản phẩm giáo dục, thưa ông?
- Thực tế là có nhưng nói thật, không ai để ý đâu. Dù trách nhiệm kiểm duyệt thuộc về Bộ GD-ĐT và chúng tôi tham gia chuyên môn. Báo chí cứ nâng quan điểm vấn đề này lên quá mức mà có nhiều vấn đề khủng khiếp khác thì không nhắc đến. Khắp nơi tràn ngập hàng Trung Quốc. Đây đúng là sai lầm nhưng đã được sửa và là vấn đề nhỏ.
Thưa ông, đụng đến chủ quyền quốc gia thì sao lại là vấn đề nhỏ được?
- Đây không phải là vấn đề lớn vì SGK không viết câu nào “đường lưỡi bò” cả mà chỉ có chức năng nhỏ là vạch vàng trên phần mềm. Rất đáng tiếc nhưng xin giải thích rõ Việt Nam chúng ta không có các phần mềm học địa lý nghiêm chỉnh. Nếu ngay bây giờ dùng các bản đồ của Google thì cũng khó tránh được những “lỗi” như thế này. Vấn đề là các giáo viên phải chủ động khi hướng dẫn sử dụng phần mềm, internet cho học sinh tham khảo.
Trên Facebook, ông nói “thậm chí cho học sinh hiểu rõ được thực chất về “đường lưỡi bò” cũng là một điều nên làm, không cần giấu học sinh làm gì” là một cách giáo dục?
- Nhân danh cá nhân, tôi cho rằng không nên giấu hoàn toàn học sinh mà khi các cháu hỏi, cần trả lời đó là sự phi pháp. Còn nếu nâng quan điểm là không nên, không nên làm ầm ĩ vấn đề.
Bộ GD-ĐT đã có trả lời gì về vấn đề này với ông?
- Tôi không nhận được ý kiến gì, còn được biết ngày 24-12, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu dừng sử dụng phần mềm này.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ:
Phát ngôn đáng lên án
Phát ngôn của giám đốc Bùi Việt Hà là không thể chấp nhận. Họ quên đi một điều hết sức quan trọng là máu xương của rất nhiều người đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Sự phân bua như vậy là phi ý thức và rất đáng lên án.
Bình luận (0)