Theo ông Bỉ, vợ chồng ông được bố mẹ để lại khu đất rộng 3.000 m2. Trên đất lúc đó có dựng một chòi nuôi vịt và trồng hoa màu. Tháng 7-2015, chòi bị sập nên ông mua gỗ về dựng lại với diện tích khoảng 80 m2 thì chính quyền địa phương xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ. Ông Bỉ chấp hành và tháo dỡ chòi. Khoảng 3 tháng sau, ông dựng chòi lá khoảng 35 m2, bị chính quyền địa phương lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính, sau đó chuyển sang xử lý hình sự.
Ngày 1-9-2015, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, ký quyết định khởi tố bị can đối với ông Bỉ về tội “Vi phạm quy định về quản lý nhà ở” theo điều 270 Bộ Luật Hình sự. Kết luận điều tra của Công an huyện Bình Chánh nêu: “Hành vi của bị can Bỉ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tình hình an ninh trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung”. Phê chuẩn quyết định khởi tố là Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP HCM, việc khởi tố ông Bỉ về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” theo điều 270 Bộ Luật Hình sự là không có căn cứ, bởi chòi lá không phải là “nhà ở”. Khoản 1 điều 3 Luật Nhà ở nêu rõ: “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”. Trong khi đó, chòi lá của ông Bỉ là nơi chứa vật tư trồng cây và nuôi vịt chứ không phải để ở. Chưa kể, Luật Xây dựng quy định trong một số trường hợp, công trình xây dựng ở khu vực nông thôn được miễn giấy phép xây dựng. Do đó, cần làm rõ thêm tình tiết này để xác định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của ông Bỉ có trái luật hay không.
Đề nghị VKSND Tối cao vào cuộc
Ngày 22-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao kiểm tra thông tin phản ánh liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn.
Cùng ngày, UBND huyện Bình Chánh có văn bản báo cáo cho biết quán Xin Chào của ông Tấn có giấy phép kinh doanh và có thể hoạt động ngành nghề ăn uống từ ngày 19-8-2015. Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh không cập nhật một số thông báo liên quan đến Quyết định 11/2006 của Bộ Y tế dẫn đến phần ghi chú trong giấy phép có ghi: “Chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” không còn đúng với hiện tại, khiến lực lượng công an “rối bời” trong quá trình kiểm tra và xử phạt. Phòng Y tế huyện Bình Chánh thực hiện chưa đúng quy trình thẩm định điều kiện để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của hộ kinh doanh, cũng không có văn bản trả hồ sơ về vệ sinh an toàn thực phẩm cho ông Tấn. Huyện sẽ kiểm tra, xử lý trách nhiệm và kiểm điểm cán bộ liên quan; yêu cầu các phòng - ban chuyên môn thực hiện đúng quy trình thẩm định theo quy định.
Báo cáo cũng nêu ngày 27-1-2016, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định xử phạt 3 triệu đồng đối với quán ông Tấn về việc xả thải nước, ông vẫn chưa chấp hành. Quyết định xử phạt này không bị ảnh hưởng bởi quyết định khởi tố vụ án hình sự của công an.
Bình luận (0)