Vấn đề khiến dư luận râm ran hơn một tuần nay là chuyện kết luận chủng loại của 2 con bò đã bị sát hại ngày 28-1. Điều tranh cãi làm cho báo chí tốn khá nhiều giấy mực trong thời gian qua sẽ được làm sáng tỏ trong ngày hôm nay (28-2) sau khi ba cơ quan Sở NN&PTNT, Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường và Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk bắt tay vào cuộc cùng phối hợp giám định. Điều quan trọng nhất chính là vì sao khởi tố vụ án chậm, chứ không phải là cãi nhau bò rừng hay bò tót, bởi nếu như sau khi bàn giao vụ việc cho Công an huyện Ea Kar vào ngày 28-1, ông Võ Đức Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Sô, không kiên quyết giữ lại 2 đầu, 2 đuôi và 8 chân bò bị sát hại thì bây giờ chẳng biết lấy gì mà giám định. Và nếu (lại nếu) như ông Võ Đức Long không làm tờ trình số 04 vào ngày 3-2 gửi các cơ quan chức năng kiến nghị giám định lại, thì chuyện đã đâu vào đấy rồi, cứ theo biên bản chiều 28-1 mà phán (biên bản này xác định 2 con bò bị sát hại là bò rừng - Bos Banteng). Nghĩa là những kẻ săn bắn trái phép có cơ may được xử nhẹ.
Chuyện giám định cứ nhùng nhằng làm cho dư luận càng ầm ĩ, càng ầm ĩ thì càng đâm ra nghi ngờ kết luận “bò rừng” của Chi cục Kiểm lâm vào ngày 21-2 vừa rồi (mà thực tế kết luận đó dựa vào biên bản ngày 28-1). Chúng tôi xin lược ghi một vài thông tin qua trao đổi với ông Võ Đức Long trong quá trình gặp gỡ ông để tìm hiểu về vụ việc.
. Phóng viên: Chiều 28-1, ở Ea Kar ông đã ký vào biên bản cùng công nhận 2 con bò bị sát hại là bò rừng. Nhưng sau đó vì sao ông kiến nghị giám định lại?
- Ông Võ Đức Long: Tôi về xem lại băng video tư liệu quay bò tót, bò rừng và xác định đó là 2 con bò tót (Bos Gaurus), nên đề nghị giám định lại.
. Có một chuyên viên kiểm lâm cấp tỉnh, sau khi xem qua tư liệu, hình ảnh về động vật hoang dã quý hiếm trong các sách nghiên cứu của GS-TS Đặng Huy Huỳnh đã cho rằng kết luận của ông là “tầm phào”. Ông nghĩ sao?
- Cách đây vài năm, GS-TS Đặng Huy Huỳnh có đến Ea Sô để nghiên cứu về các loài động thực vật hoang dã và chính tôi có tặng ông Huỳnh 1 cuốn băng video về các loại bò hoang dã quý hiếm ở đây.
. Ông vốn ăn ngay nói thẳng, nhưng dư luận cho rằng có một thế lực nào đó tạo áp lực lên ông, khiến sau đó có một lần ông đã nói lại rằng 2 con bòå bị sát hại là 2 con bò rừng, chứ không phải là bò tót. Thực hư ra sao?
- Lúc đó tôi đã xác định lại là bò tót rồi, nhưng các anh ấy (Chi cục Kiểm lâm - NV) bảo cứ nói là bò rừng cái đã. Nói thế để chờ khởi tố, điều tra rồi xác minh thêm sau...!
Để biết một cách chính xác chủng loại của 2 con bò là gì, phải chờ kết luận của khoa học. Kết quả giám định là bò xám, bò tót, bò rừng hay thậm chí là bò... nuôi đều có khả năng xảy ra. Nhưng vấn đề dư luận đặt ra: Liệu cuộc giám định lại lần này có chịu một áp lực nào hay không, và có đủ độ tin cậy về mặt khoa học?
Nhóm PV Thời sự
Mất bò tót là mất một phần di sản thiên nhiên của Việt Nam
Các chuyên gia của WWF có đầy đủ khả năng giám định hai con bò
bị bắn chết ở Ea Sô thuộc chủng loại bò gì
Ngày 27-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Trưởng Phòng Truyền thông của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - Chương trình Đông Dương, cho biết: Theo tài liệu do ông Rob Shore, chuyên viên về bảo tồn và khoa học thuộc Chương trình hành động bảo tồn vùng sinh thái của WWF Chương trình Đông Dương cung cấp thì bò tót (Bos Gaurus) là một loài bò màu đen lớn với một phần gồ cao lên ở trên lưng và vết lang chân màu trắng hoặc vàng ở cả 4 chân. Bò tót đã từng có thời rất phổ biến ở VN, nhưng tệ săn bắn, bệnh tật, sự phá hủy môi trường sống và tình trạng môi trường bị chia cắt đã làm suy giảm nghiêm trọng số lượng đàn bò tót. Vì vậy, bò tót đã được liệt kê vào loại thú có các giá trị khoa học và kinh tế đặc biệt, bị đe dọa tuyệt chủng và bị cấm săn bắn ở VN. Tuy nhiên, từ lâu bò tót đã bị săn bắt rất khốc liệt để lấy thịt và do chúng có giá trị kinh tế cao. Các cuộc khảo sát tại nhiều địa phương ở VN cho biết ít nhất 120 con bò tót đã bị giết trong các năm từ 1991 đến 1995. Năm 1997, ước lượng bò tót ở VN chỉ còn lại khoảng 500 con và nếu tình trạng giết bò tót vẫn tiếp tục với tốc độ này, chẳng mấy chốc bò tót sẽ biến mất ở VN.
Theo đánh giá của các chuyên gia WWF Chương trình Đông Dương, Ea Sô (Đắk Lắk) là một trong những khu vực cuối cùng còn lại ở VN, cũng là nơi tốt nhất để bảo vệ và bảo tồn loài bò tót và một số động vật hoang dã khác. Vì thế việc mất bất cứ một cá thể bò tót nào, chưa nói đến đó là những con bò tót sống ở khu vực quan trọng như Ea Sô đều phản ánh tình trạng nghiêm trọng về mất động vật hoang dã, một phần của di sản thiên nhiên VN.
Trả lời về việc WWF có thể giúp giám định xem hai con bò bị một nhóm người săn trộm vào ngày 28-1 tại Ea Sô có đúng là bò tót hay là bò rừng, bà Hồng cho biết: “Các chuyên gia của WWF có đầy đủ khả năng để làm việc này. Tuy nhiên, WWF là tổ chức phi chính phủ, không thể tự đứng ra làm nếu không có ý kiến của cơ quan chức năng VN”.
H.Phương
Bình luận (0)