Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hộ đã điều động 4 ca nô đến hiện trường tìm kiếm những người nghi còn đang mất tích khi bị rơi khỏi cầu.
Nhiều người rớt xuống sông nhưng có 3 người thoát nạn. Ảnh Phạm Dũng
Cận cảnh chiếc cầu bị sập. Ảnh: Phạm Dũng
Người dân đến xem vụ tai nạn. Ảnh: Phạm Dũng
Một số người dân chứng kiến vụ việc cho biết lúc cầu sập có ít nhất 3 người bị rơi xuống sông. Tuy nhiên, họ đã thoát nạn do tự bơi được lên bờ hoặc rơi chỗ cạn nên không nguy hiểm.
Hiện lực lượng công an đã phong tỏa hai bên đầu cầu, giao thông tạm thời bị tê liệt. Vụ tai nạn cũng khiến toàn bộ đoạn đường ray tuyến đường sắt Bắc - Nam qua cầu hư hỏng, không di chuyển được. Tàu hỏa buộc phải dừng lại. Phía Công an đã tiếp cận với những người thoát nạn và những người trên sà lan để lấy lời khai. Trong khi đó, lực lượng chức năng cũng tiếp cận những người chứng kiến để lấy thông tin xem có ai còn mất tích sau vụ tai nạn.
Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải tỉnh Đồng Nai, đang ở hiện trường vụ tai nạn cho biết hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác có bao nhiêu người rơi xuống sông thời điểm cầu sập, còn ai mất tích không. Lực lượng chức năng và đội tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang làm rõ. Tuy nhiên, 3 người bị rơi xuống nước được nhiều người dân trông thấy đã lên bờ an toàn. Dự kiến, chiều 20-3, Thứ trưởng Bộ Giao thông – vận tải Nguyễn Ngọc Đông sẽ vào Đồng Nai, xuống hiện trường tai nạn, trực tiếp làm việc.
Một chiếc xe máy còn nằm trên cầu. Ảnh: Phạm Dũng
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết hiện có 6 đoàn tàu chuẩn bị xuất phát từ ga Sài Gòn đi các địa phương phía Bắc phải tạm dừng, chờ khắc phục sự cố cầu Ghềnh sập.Trong khi đó, hướng ngược lại vào ga Sài Gòn đang có 5 đoàn tàu đang phải tạm dừng tại các địa phương.
Thanh tra đường thủy tỉnh Đồng Nai quần thảo bờ sông nơi xảy ra vụ tai nạn ẢNH: PHẠM DŨNG
Cũng theo ông Văn, phương án trước mắt là sử dụng ô tô để chuyển hành khách trên các chuyến tàu bị tạm dừng từ ga Sài Gòn qua Biên Hòa (Đồng Nai) và ngược lại. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tìm cách khắc phục sự cố.
Rất nhiều lực lượng chức năng đã được điều động đến hiện trường vụ tai nạn ẢNH: PHẠM DŨNG
Theo thông tin Báo Người Lao Động nhận được lúc 15 giờ 30 cùng ngày, hiện các lực lượng chức năng như Thanh tra Đường thủy, Cảnh sát giao thông Đồng Nai... với sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát PCCC, tìm kiếm- cứu hộ- cứu nạn Công an TP HCM đang phong tỏa hiện trường vụ tai nạn và tiếp tục tìm kiếm các khu vực nơi sà lan chìm.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Phạm Anh Dũng sau khi nhận được tin báo đã có có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Ông Nguyễn Phú Cường đã liên lạc với Công an TP HCM yêu cầu trợ giúp công tác cứu hộ, cứu nạn. Sở Cảnh sát PPCC Công an TP HCM đã điều 30 thợ lặn chuyên nghiệp với đầy đủ khí tài trợ giúp tỉnh bạn. Ông Phạm Anh Dũng cho biết “Sự cố sập cầu đã khiến khu vực 2 đầu cầu bị cúp điện, cơ quan chức năng vớt được 2 xe máy. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang xác định số người gặp nạn” .
Một người dân sống ở khu vực cầu Ghềnh (phía phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) cho biết lúc bà đang ăn cơm cùng gia đình thì nghe tiếng động dữ dội. Người dân chạy ra thì thấy bụi bay mù mịt, chiếc cầu gãy đôi cùng nhiều người tháo chạy trong trạng thái hoảng loạn.
Theo Địa chí Đồng Nai (NXB Tổng Hợp Đồng Nai 2001), từ khi cầu Ghềnh đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đã được thông tuyến với các tuyến Sài Gòn - Biên Hòa (1904, dài 71 km), Sài Gòn - Xuân Lộc (1904, dài 81 km), Xuân Lộc - Gia Ray (1905, dài 18 km), Gia Ray - Mường Mán (1910, dài 77 km) và Sài Gòn - Nha Trang (1913, dài 408 km).
Tài liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận: Cầu Ghềnh được Pháp xây dựng vào năm 1903, dài 223,30 m, có kiểu kiến trúc Gothic trang nhã bằng thép rất kiên cố. Trên cây cầu ngoài tuyến đường bộ, đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Bình luận (0)