Tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở núi ở huyện Mù Cang Chải - Yên Bái. Ảnh: TTXVN
Vẫn chưa thấy nạn nhân cuối cùng
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp tìm kiếm người bị nạn; cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích... Các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nêu trên, báo cáo Thủ tướng.
Chiều cùng ngày, bác sĩ Hà Hồng Thúy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ - Yên Bái, cho biết 2 nạn nhân Hảng A Nắng (SN 1990), Hảng A Thắng (SN 1996) đã qua cơn nguy kịch và đang được điều trị phục hồi. Trong khi đó, mặc dù lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực làm việc nhưng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân cuối cùng là anh Lý A Lềnh. Ngoài ra, người thân vẫn chưa nhận dạng được anh Hàng A Sủng trong số 17 thi thể đã tìm thấy vì bị biến dạng.
Đến thời điểm này, tổng số tiền hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình là 500 triệu đồng. Hiện tại, huyện Mù Cang Chải vẫn có mưa lớn kéo dài và sương dày đặc, chính quyền địa phương đã cấm người dân đi mót quặng để tránh xảy ra thêm thảm họa.
Đã từng xảy ra thảm họa
Cách đây 2 năm, chiều 22-8-2010, tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, một mảng đất đá rộng hơn 2 ha từ trên sườn núi cao đã đổ ập xuống, vùi lấp 7 người dân đang hái ngô. Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã cưỡng chế dỡ bỏ lều lán của các gia đình trên nương ngô nhằm đề phòng xảy ra sạt lở đất.
Người dân huyện Mù Cang Chải vẫn còn bàng hoàng về thảm họa sạt lở núi. Ảnh: Tây Bắc
Mù Cang Chải là một trong 2 huyện của tỉnh Yên Bái được Trung ương xếp vào diện đặc biệt khó khăn của cả nước. Toàn huyện có trên 50.000 người, trong đó, dân tộc Mông chiếm 91%. Nơi đây có khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nghèo tài nguyên thiên nhiên; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chậm phát triển... Cuộc sống của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng chủ yếu là làm nương rẫy nên phải định cư trên các rẻo núi cao để tiện cho sản xuất. Đây cũng chính là hiểm họa bởi ở trên các sườn núi cao, kết cấu địa chất của đất rất lỏng lẻo nên sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Không tổ chức lễ hội
Sau khi vụ sạt lở núi xảy ra, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định không tổ chức lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2012, mặc dù các khâu chuẩn bị đã được hoàn tất.
Ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết một số chương trình của lễ hội sẽ lùi lại và tổ chức vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập huyện (18.10.1957 - 18.10.2012) với một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như: lễ hội “Gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi”, thi đấu các môn thể thao, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động…
Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh di sản danh thắng ruộng bậc thang.
B.Phượng |
Mưa lũ làm 16 người chết, 38 bị thương Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết tính đến tối 9-9, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh đã làm 16 người chết (Ninh Bình: 1, Thanh Hóa: 7, Nghệ An: 6, Hà Tĩnh: 2), 38 người bị thương (Thanh Hóa: 18, Nghệ An: 8, Hà Tĩnh: 12). Mưa lũ cũng cuốn trôi 52 căn nhà, làm hơn 3.500 nhà bị ngập và sập đổ hoàn toàn; hơn 22.000 ha hoa màu và cây ăn quả bị ngập; một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập sâu khiến việc đi lại rất khó khăn... Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay, tình trạng ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng ở các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã giảm dần nhưng vẫn còn duy trì trong vài ngày tới. Trước những thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra tại khu vực miền Trung, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp hàng hóa và đồ dùng thiết yếu với tổng trị giá 420 triệu đồng cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã cử đoàn công tác tiến hành khảo sát, đánh giá nhanh tình hình thiệt hại các địa phương; chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các địa phương tích cực phối hợp với các lực lượng tại chỗ ứng phó và hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
B.Trân |
Bình luận (0)