Nạn nhân trong vụ 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị tai biến ở Hòa Bình đang được các bác sĩ chăm sóc
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc - Bệnh viện (BV) Bạch Mai, một trong số thành viên đoàn chuyên gia của Bệnh viện (BV) Bạch Mai, xác nhận thông tin 1 bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong, nâng số người tử vong trong vụ 18 bệnh nhân bị tai biến khi đang chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29-5 lên 7 người.
Hiện 10 người sức khoẻ ổn định hơn đã được đưa về BV Bạch Mai tiếp tục điều trị, nạn nhân nguy kịch còn lại đang được điều trị tích cực tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Các bệnh nhân ổn định hơn đang được chuyển về Hà Nội trong tối ngày 29-5 điều trị tiếp
Tối cùng ngày 29-5, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Hoà Bình yêu cầu tập trung cấp cứu kịp thời nạn nhân trong vụ tai biến y khoa nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua, đồng thời chia sẻ với những gia đình có thân nhân bị tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân của sự cố và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm). Tổ chức thông tin cho người dân và các cơ quan báo chí khi có kết quả xử lý của các cơ quan chức năng.
Lực lượng chức năng phong tỏa Khoa Thận nhân tạo, nơi xảy ra tai biến y khoa nghiêm trọng
Trao đổi với phóng viên, GS- TS Nguyễn Nguyên Khôi, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thận nhân tạo, nhận định nguyên nhân khiến 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận có thể do đường dịch có vấn đề. GS Khôi cho biết từ khi bắt đầu triển khai chạy thận nhân tạo từ năm 1972 đến nay, trường hợp tử vong khi đang chạy thận tại Việt Nam là có, nhưng tử vong tập thể như tại tỉnh Hoà Bình là chưa từng ghi nhận. "Với những trường hợp tử vong thường do trên nền các bệnh cảnh có sẵn, hay gặp nhất là các biến chứng về tim mạch như: tăng huyết áp, ngừng tim do nhồi máu cơ tim... vì cơ thể không thích nghi ngay được. Chiếm khoảng 5% các ca tử vong khi chạy thận nhân tạo là do biến chứng về tim mạch, sau đó mới đến các rối loạn chuyển hoá"- GS Khôi phân tích.
Theo giới chuyên môn, chạy thận quy trình rất chặt chẽ, mỗi bệnh nhân sẽ chạy 3 ca/tuần, mỗi ca từ 3-4 tiếng. Đầu tiên nhân viên y tế sẽ chuẩn bị máy móc. Sau đó sẽ lắp đường máu và đường dịch cho bệnh nhân. Tiếp đến bệnh nhân bắt đầu lọc máu. Điều dưỡng sẽ theo dõi, ghi chép từng chức năng sống của bệnh nhân về mạch, huyết áp, đường thở. Kết thúc quy trình lọc máu.
Phân tích mối nguy cơ đối với bệnh nhân chạy thận chu kỳ, GS Khôi cho rằng cho rằng dịch hoặc nước pha dịch cũng có thể là mối nguy cơ đối với bệnh nhân. "Để pha dịch đậm đặc, phải sử dụng loại nước đặc biệt, bằng ít nhất 95% nước chưng cất. Nếu nước xử lý không tốt hoặc chất lượng dịch không đảm bảo sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng"- GS Khôi nói.
Trong khi đó, một chuyên gia khác cũng bác bỏ nguyên nhân sốc phản vệ vì nếu sốc phản vệ thì chỉ 1-2 trường hợp. Với trường hợp tử vong hàng loạt thì cần nghĩ đến hệ thống xử lý nước, quy trình rửa quả lọc, liệu có tồn dư hoá chất hay không. Bác sĩ này nghi ngờ trong quá trình sát trùng hệ thống nước, nhân viên bệnh viện đã để lại lượng hoá chất tồn dư cao, là nguyên nhân gây ra sự việc đáng tiếc. Y văn thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp sốc do hóa chất sát khuẩn trong hệ thống nước.
Bình luận (0)