Ngày 12-10, ông Đào Văn Quảng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Thủy sản Hải Phòng (chủ quản tàu Sunrise 689) - cho biết: “Lúc bị cướp, có thuyền viên không thực thi an ninh, an toàn”. Ông Quảng giải thích theo quy định về an ninh, an toàn, khi thấy cướp, thuyền viên phải hô hoán cho mọi người biết. Đầu tiên là thông báo cho thuyền trưởng và những người giữ nút an ninh, an toàn để bấm báo động. “Có thuyền viên thấy cướp, không thực hiện an ninh, an toàn, không thông báo cho mọi người mà chạy về phòng cất tiền rồi nhảy từ tầng 3 xuống tầng 2 ẩn trong phòng. Những người như vậy, khả năng sẽ không cho đi tàu tiếp vì rất nguy hiểm cho tài sản trên tàu” - ông Quảng nói.
Liên quan đến nghi vấn thủy thủ đoàn câu kết với cướp biển, ông Quảng khẳng định: “Không ai dám làm chuyện đó vì trên tàu không chỉ có 2-3 người, vả lại, họ còn gia đình ở nhà”.
Theo ông Quảng, ngày 12-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu chủ tàu cùng thuyền trưởng tàu Sunrise 689 cung cấp toàn bộ hồ sơ, chứng từ liên quan đến số hàng hóa vận chuyển để phục vụ công tác điều tra. Cùng ngày, cơ quan chức năng cũng cho phép chủ tàu sửa chữa, khôi phục các hệ thống điều khiển, định vị, dẫn đường đã bị bọn cướp phá hủy để tàu sớm khởi hành theo lịch trình. Thuyền viên được phép lên bờ mua sắm vật dụng cá nhân.
Trong bản tường trình, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đã thuật lại toàn bộ quá trình bị cướp biển khống chế, hút dầu trên biển. Theo đó, khi bị bọn cướp khống chế, đưa đến một điểm để lấy hàng, có một tàu sắt chuyên dụng chở dầu cập mạn tàu Sunrise 689. Lúc đó, thuyền viên tàu Sunrise 689 thấy cướp biển hút thuốc lá nhãn hiệu của Việt Nam. Khi chuẩn bị bơm dầu, có một tàu cá mang ký hiệu “KNF 7858” cập mạn phải.
Đến 2 giờ ngày 9-10, khi lấy dầu xong, bọn cướp định chuyển tàu Sunrise đến chỗ khác để tiếp tục cướp, thuyền trưởng Thắng liền chỉ đạo thuyền viên chống đối quyết liệt. Thấy vậy, bọn cướp mới rút đi. Lúc đó, toàn bộ trang thiết bị trên buồng lái đã bị phá hủy, chỉ còn lại một la bàn. 2 giờ 30 phút, tàu chạy về hướng Việt Nam theo kinh nghiệm của thuyền trưởng. Đến 5 giờ 30 phút cùng ngày, tàu liên lạc được với công ty chủ quản.
Theo thuyền trưởng Thắng, những tổn thất của tàu và thuyền viên chưa thể thống kê được.
Đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận đây là vụ cướp biển. Tuy nhiên, diễn biến cụ thể của vụ cướp còn phải chờ kết luận sau khi điều tra.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy số lượng dầu còn lại trên tàu Sunrise 689 được Chi nhánh Công ty TNHH Vinacontrol tại TP HCM xác định là 3.897,703 lít, số dầu được xác định bị cướp khoảng 1.500 tấn. Qua điều tra, tàu Sunrise 689 có 12 hầm hàng có niêm phong và đã bị phá. Nhiều đặc điểm nhận dạng tàu đã bị bọn cướp biển xóa và sơn phủ để tránh bị lực lượng tuần tra trên biển phát hiện.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, bước đầu tổ điều tra liên ngành xác định thông tin tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công, khống chế suốt 6 ngày đêm là thật, đúng như tin trình báo trước đó. Tổ điều tra liên ngành đã lấy lời khai độc lập của 18 thuyền viên tàu Sunrise 689. Những lời khai này đều giống nhau về đặc điểm của nhóm cướp biển.
Bước đầu, cơ quan điều tra khoanh vùng khu vực tàu Sunrise 689 bị cướp là khu vực giáp ranh giữa 3 nước Singapore - Malaysia - Indonesia, nơi xảy ra có thể thuộc vùng biển Indonesia.
Bình luận (0)