* Phóng viên: Ông nhìn nhận vụ Tiên Lãng đã được giải quyết như thế nào sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận?
- Ông Đinh Xuân Thảo: Tôi vẫn theo dõi sát vụ việc từ khi xảy ra cho đến nay và thực tế sau khi có kết luận của Thủ tướng, người dân xã Vinh Quang nói riêng và cả nước nói chung đều thấy phấn khởi. Đặc biệt là khi TP Hải Phòng đã cách chức chủ tịch, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng và xử lý kiểm điểm, kỷ luật nhiều cán bộ khác. Đúng là TP Hải Phòng đang thực hiện theo kết luận của Thủ tướng nhưng tôi thấy cũng còn những phức tạp đằng sau khi không dễ dàng lật lại toàn bộ những vụ việc tương tự… Tôi cho rằng lúc này, TP Hải Phòng cần tập trung khắc phục “hậu quả” vụ việc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và làm càng sớm, càng quyết liệt, công tâm thì càng lấy lại được lòng tin của người dân.
Vấn đề ở đây không phải là chúng ta quá “hổng” pháp luật về đất đai mà do việc hiểu không đầy đủ hoặc cố tình hiểu sai của chính quyền địa phương.
* Thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho ông Vươn và Bộ Công an cũng đang xem xét việc thay đổi tội danh “giết người” mà ông Vươn bị khởi tố... Là nhà nghiên cứu luật pháp, ý kiến của ông về việc này thế nào?
- Theo tôi, vấn đề hết sức quan trọng để xem xét tình tiết giảm nhẹ cho ông Đoàn Văn Vươn và người thân đó là việc phản kháng này là phòng vệ khi trước đó có dấu hiệu sẽ thực hiện cưỡng chế và người bị cưỡng chế cho rằng việc cưỡng chế không đúng. Tất nhiên, theo quy định pháp luật thì đây không được xem là phòng vệ, tự vệ nhưng cơ quan pháp luật cần xác định rõ việc này xuất hiện từ ý thức chủ quan của người bị cưỡng chế đang trong tình trạng bị kích động nhất thời trước quyết định sai trái của chính quyền nên họ không sáng suốt và không có cách nào khác để bảo vệ dẫn đến hành vi tự vệ.
Tôi cho rằng đối với trường hợp của ông Vươn, cơ quan pháp luật cần xác định “gốc”, logic hay nói cách khác là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phản kháng. Hơn nữa, Thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét các tình tiết giảm nhẹ thì việc nhìn vụ việc một cách toàn diện, đa chiều là hết sức cần thiết. Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh cũng nói việc người dân bị dồn vào chân tường nhiều khi họ có những hành động mạnh mẽ đối kháng lại sự trấn áp. Vì thế, cần xem xét hành vi sai trái của ông Vươn là lỗi hỗn hợp mà luật pháp cũng quy định.
Đại biểu Quốc hội có quyền giám sát vụ Tiên Lãng * Vụ việc xảy ra rất lâu nhưng tiếng nói từ phía các cơ quan Quốc hội, nhất là đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, dường như chưa thực sự kịp thời, tích cực? - Chúng tôi cũng đã có trao đổi về việc này, nhất là sau khi có phát biểu của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng nói rằng chưa nhận được đơn thư nào của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Việc này thuộc cơ quan hành pháp là đúng. Nhưng với chức năng, vai trò của Quốc hội thì Quốc hội cũng có thể thành lập đoàn giám sát, thậm chí là cá nhân đại biểu cũng có quyền tiến hành giám sát về việc thực thi pháp luật của chính quyền cũng như người dân có đúng hay không.
Đại biểu Quốc hội vừa là đại diện cơ quan công quyền vừa đại diện của người dân thì hoàn toàn có thẩm quyền, chức năng được biết về vụ việc mà dư luận đang rất quan tâm là đúng chứ không thể có thái độ dửng dưng, chờ có đơn thư. |
Bình luận (0)