Nhắc đến trung tá Phạm Văn Hưng, nhiều người trong Quân chủng Hải quân không còn xa lạ gì với vị thuyền trưởng có biệt danh “vua đi biển” hay Hưng “Cô Lin” này. Nếu như biệt danh “Cô Lin” gắn liền với những ngày tháng trung tá Hưng và đồng đội bám trụ để giữ gìn hòn đảo chìm này thì “vua đi biển” lại là thành tích mà ông cùng các cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 957 lập được năm 2009, khi trở thành người có số ngày đi biển nhiều nhất Quân chủng Hải quân trong một năm.
Vượt phong ba, bão táp
Ai đã có dịp đi trên tàu HQ 957 và tiếp xúc với trung tá thuyền trưởng Phạm Văn Hưng đều có chung nhận xét ông là người nghiêm túc, cương nghị trong công việc. Thế nhưng, lúc ngoài công việc, ông rất gần gũi, trải lòng một cách rất chân tình về đời đi biển, về những câu chuyện mà ai nghe cũng thầm cảm phục.
Năm 2009, trung tá Hưng và tàu HQ 957 lập kỷ lục của Quân chủng Hải quân với 237 ngày đi biển, trong đó có 126 ngày liên tục. Cho đến nay, vẫn chưa ai phá được kỷ lục của “vua đi biển” Phạm Văn Hưng. “Nhiệm vụ của tàu HQ 957 gồm trực chốt giữ chủ quyền quần đảo Trường Sa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; đưa các đoàn ra thăm Trường Sa; thực hiện những nhiệm vụ đột xuất của quân chủng… Nhiệm vụ nào cũng khó khăn, nặng nề, đòi hỏi những người gắn bó với công việc này phải có tình yêu nghề thực sự, đồng thời chấp nhận hy sinh những hạnh phúc cá nhân” – trung tá Hưng cho biết.
Mỗi năm lênh đênh trên biển hàng trăm ngày, có những lúc phải lên đường vào mùa biển động, nhiều khi làm nhiệm vụ cứu nạn giữa sóng to, gió lớn… đã rèn cho trung tá Hưng bản lĩnh và sự gan lì trước phong ba, bão táp. “Đôi khi với sóng to, gió lớn trên biển, anh em chúng tôi không ngại bằng việc làm thế nào để lo cho đời sống sinh hoạt và tinh thần của mấy chục con người trong những chuyến đi biển hàng trăm ngày luôn ổn định, vững vàng”- ông tiết lộ.
Đến Trường Sa đã nhiều lần nhưng với trung tá Phạm Văn Hưng,
lần nào cũng để lại trong ông những cảm xúc khó quên. Ảnh: C.T.V
“Mỗi chuyến đi là một cảm xúc, một kỷ niệm khó quên. Đoàn nào ra Trường Sa cũng khóc, nhất là chị em phụ nữ. Bản thân tôi đi nhiều rồi nhưng cũng không nén được xúc động khi có những chuyến tàu không tiếp cận được nhà giàn, anh em văn công phải hát qua bộ đàm cho cán bộ, chiến sĩ DK1 nghe. Khi ấy, người hát cũng khóc mà người nghe cũng khóc”- ông Hưng nhớ lại một chuyến đi biển Trường Sa.
Hiện nay, tàu HQ 957 đang bảo dưỡng. “Tuy nhiên, nhận nhiệm vụ là tôi và anh em lại lên đường thôi” – trung tá Hưng khẳng định.
Yêu biển như một lẽ tự nhiên
Sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình nhưng ông Hưng yêu biển như một lẽ tự nhiên ngay từ khi chưa biết thế nào là sóng gió trùng khơi. “Tôi có ông chú là thủy thủ viễn dương. Thuở bé, tôi thường nghe chú kể về những chuyến đi biển nên mê và ước ao trở thành thuyền trưởng từ đó” – ông Hưng nhớ lại.
Nhập ngũ năm 1982, ban đầu ông Hưng là bộ đội Quân đoàn 2 đóng quân ở Lạng Sơn. Ít lâu sau khi nhập ngũ, ông quyết tâm thi và đậu vào ngành hỏa lực của Học viện Hải quân. Năm 1987, ông được biên chế về Lữ đoàn 125 - lữ đoàn anh hùng của Quân chủng Hải quân, hậu duệ của những đoàn tàu không số huyền thoại tạo ra con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trưởng thành từ một người lính, trung tá Hưng đã bôn ba qua hàng chục chiếc tàu của quân chủng và đơn vị, như: HQ 505, HQ 956, HQ 503, HQ 961, Trường Sa 04. Ông cũng từng là thuyền trưởng của các tàu: HQ 961, HQ 501 trước khi trở thành chỉ huy tàu HQ 957 vào năm 2008.
Chiếc tàu hiện tại mà ông Hưng đang lèo lái đã ngót nghét 25 năm tuổi. Là lính hỏa lực, học nhiều về khí tài nhưng trung tá Hưng có suy nghĩ rất thực tế: “Hiện đại hóa hải quân là điều cần thiết nhưng trước tiên phải hiện đại hóa từ con người. Con người phải làm chủ được thiết bị đã. Tôi vẫn nói với cán bộ, chiến sĩ của mình rằng chiếc tàu của chúng ta đang sử dụng dù đã cũ nhưng vẫn rất tốt, quan trọng là chúng ta sử dụng nó và vẫn hoàn thành được tất cả các nhiệm vụ được giao”.
Trung tá Hưng (bìa phải) và tàu HQ 957 đang giữ kỷ lục của Quân chủng Hải quân
về số ngày đi biển trong một năm. ẢNH DO NHÂN VẬT CUNG CẤP
Tôi tự hỏi hơn 25 năm đi biển, không hiểu có lúc nào đó, vị trung tá thuyền trưởng này cảm thấy mệt mỏi và chán cái cảm giác về một cuộc sống lênh đênh hay không? Như hiểu được băn khoăn của tôi, ông khẳng định chắc nịch: “Thực sự là chưa bao giờ! Gần 50 tuổi rồi nhưng tôi vẫn mãi yêu biển, vẫn thích gắn bó với trùng khơi và luôn ao ước được lái tàu đạp trên sóng gió nhiều năm nữa”.
Ký ức không phai Mỗi năm, cứ đến dịp tháng 3, tháng 4 là trung tá Phạm Văn Hưng lại nhớ về những ký ức cách đây 24 năm ở đảo Cô Lin. Khi đó, ông và một nhóm chiến sĩ hải quân được cử ra Trường Sa với nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ chủ quyền đảo chìm này. Trung tá Hưng bồi hồi: “Cô Lin hồi đó chưa hề có nhà kiên cố… Mấy tháng ở đảo làm nhiệm vụ thực sự là khoảng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời tôi”. Bây giờ, có nhắm mắt lại, ông khẳng định vẫn có thể mường tượng rõ rệt những bãi san hô trên đảo, chỗ nào có thể đánh cá, chỗ nào nước sâu, nước cạn... Năm 2009, chuyến đưa đoàn lãnh đạo một địa phương đến đảo Cô Lin là vừa tròn 21 năm trung tá Hưng mới trở lại hòn đảo cất giữ nhiều ký ức hào hùng một thời trai trẻ của ông.
“Khi đoàn làm lễ tưởng niệm thì tôi phải ở lại tàu để trực và điều động nhưng sau đó, tôi gắng tranh thủ lên đảo để thắp nén nhang cho những đồng đội cũ của mình. Với tôi, mỗi chuyến ra Trường Sa là một lần được gặp các đồng đội cũ còn nằm lại ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc” - ông xúc động. |
Gặp nhau lần nào cũng vội Say sưa kể về công việc và cuộc sống lãng mạn trên biển nhưng khi nghe tôi hỏi: “Còn tình yêu với người phụ nữ của ông thì sao?”, trung tá Phạm Văn Hưng lại thoáng vẻ ngượng ngùng. Ăn sóng nói gió là thế nhưng trong khoảng yêu đương, hình như ông là người nhút nhát. Trung tá Hưng cho biết mãi đến gần 40 tuổi, ông mới xây dựng gia đình. Vợ ông cũng cùng quê Ninh Bình. “Chúng tôi có hai cháu, một trai, một gái nhưng cả hai còn nhỏ tuổi lắm. Cháu trai lớn mới 7 tuổi, còn cháu gái mới hơn 1 tuổi” – ông giới thiệu ngắn gọn.
“Vì công việc của một người lính hải quân nên ông mới lấy vợ muộn?” – tôi tò mò. Trung tá Hưng bộc bạch: “Công việc không ảnh hưởng gì nhiều đâu... Vợ tôi rất thông cảm cho chồng, dù có những lần tôi chỉ về phép được một ngày sau nhiều tháng lênh đênh trên biển. Vợ chồng gặp nhau lần nào cũng vội nhưng có vợ ở nhà quán xuyến mọi công việc, chăm sóc con cái là tôi đã yên tâm tiếp tục những chuyến hải trình của mình”. |
Bình luận (0)