“Vựa lúa miền Trung” tồn tại gần 80 năm qua là nhờ nguồn nước tưới của đập Đồng Cam (xây dựng trên sông Ba, đưa vào sử dụng từ năm 1932). Thế nhưng, con đập lớn nhất Đông Dương một thời này đang “chết khát” vì nguồn nước sông Ba cạn kiệt.
Mực nước ở đập Đồng Cam, tỉnh Phú Yên đang xuống thấp tới mức bất thường
Đập khô, đồng cạn
Mực nước đo được trong ngày 12-7 tại đập Đồng Cam chỉ còn 22,35 m so với mặt nước biển, âm dưới mức tràn của đập đến 40 cm. Nguồn nước về đập ít nên nước dẫn vào hai kênh chính Bắc và chính Nam đều giảm từ 35 cm đến 40 cm so với bình thường.
Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, đây là năm đầu tiên mực nước đập Đồng Cam xuống thấp bất thường như vậy.
“Mọi năm, dù có nắng hạn nhưng mực nước đập chưa xuống thấp như vậy. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không đủ nước tưới vụ hè thu cho cánh đồng Tuy Hòa”- ông Anh cảnh báo.
Đập Đồng Cam đang cung cấp nước tưới cho trên 27.000 ha lúa ở các cánh đồng thuộc các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa.
Do nguồn nước về đập xuống thấp, các cánh đồng nằm cuối hệ thống thủy nông Đồng Cam đang thiếu nước trầm trọng. Trà lúa chính vụ hè thu đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, người dân tranh thủ cấy dặm nhưng do không có nước, đành phải “ngồi bờ”.
Bà Võ Thị Hương, ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, bức xúc: “Không hiểu sao mà nguồn nước về ruộng vụ này lại bị đứt như vậy. Bây giờ, không cấy dặm được thì đâu còn lúc nào để cấy dặm. Không có nước, lúa cũng đâu chịu đẻ nhánh”.
Ông Võ Kim Quy, Chủ nhiệm HTX Hòa Kiến 1, TP Tuy Hòa, phân trần: “Đây là vùng sử dụng nguồn nước đập Đồng Cam. Nước đập không về thì tôi cũng chịu chứ biết làm sao. Bà con không hiểu cứ trách HTX”.
Để cứu hàng ngàn hecta lúa hè thu ở đây có nguy cơ bị mất trắng do thiếu nước, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam đã huy động các trạm bơm tăng cường bơm chuyền. Nhưng do nguồn nước hạ lưu sông Ba cạn kiệt, các trạm bơm này chỉ hoạt động được 1/10 công suất.
Theo ông Dương Văn Hưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Phú Yên), giờ đây chỉ còn trông chờ vào nước mưa. “Nếu trong 20 ngày tới, trời không mưa thì nhiều diện tích lúa hè thu ở đây sẽ bị mất trắng”- ông Hưởng nhận định.
Thủy điện “uống” cạn nước
Theo ông Trần Công Danh, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Yên, nếu như trung bình các năm trước, lưu lượng nước về sông Ba trong mùa khô trên 30 m3/giây thì hiện chỉ còn 20 m3/giây. Đây là lưu lượng được tính khi cả 2 nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh - Vĩnh Sơn cùng chạy máy phát, còn nếu cả hai nhà máy này dừng chạy máy, nước không trả về sông Ba thì hạ lưu... trơ đáy.
Hiện nay, có 5 thủy điện nằm trong bậc thang thủy điện của thượng nguồn sông Ba là An Khê - Ka Nak, A Dun Hạ, Krông H’năng, Sông Ba Hạ và Sông Hinh. Việc tích nước của các nhà máy thủy điện này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước về hạ lưu sông Ba.
“Nước về hạ lưu sông Ba ít, đập Đồng Cam khô cạn, nguyên nhân chính là do các nhà máy thủy điện tích nước, trong đó có thủy điện An Khê - Ka Nak lấy nước sông Ba nhưng lại trả về sông Kôn”- ông Anh cho biết.
Việc thủy điện An Khê - Ka Nak sử dụng nguồn nước sông Ba nhưng lại trả nước sau chạy máy về sông Kôn không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn bức xúc đối với các nhà máy thủy điện nằm dưới bậc thang.
Ông Võ Văn Tri, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết từ khi thủy điện An Khê - Ka Nak tích nước chạy máy, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ rất thấp. Hiện mực nước của hồ chỉ còn 10 cm là đến mực nước chết.
“Với mực nước như thế, chúng tôi chỉ có thể chạy máy cầm chừng. Trong 2 tổ máy của nhà máy chỉ chạy một tổ với 60% công suất và chỉ chạy 8 giờ mỗi ngày” - ông Tri cho biết.
Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh chạy cầm chừng đồng nghĩa với việc nước về hạ lưu sông Ba nhỏ giọt, cánh đồng Tuy Hòa không tránh khỏi khô hạn.
“Phú Yên hiện quá khó khăn về nguồn nước do vận hành liên hồ thủy điện. Vừa rồi, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần phải có chỉ đạo các ngành làm sao để không thiếu nước ở vùng hạ lưu do thủy điện tích nước”- ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết.
Lũ lụt sẽ khủng khiếp hơn
Việc thủy điện An Khê - Ka Nak “nắn dòng” từ sông Ba qua sông Kôn nhưng lại xây tràn xả lũ xuống sông Ba không chỉ làm kiệt nước sông Ba trong mùa khô mà còn là nguy cơ gây lũ lớn ở vùng hạ lưu sông Ba khi thủy điện này xả lũ.
Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, cho biết: “Mùa lũ tới, Phú Yên đứng trước một nguy cơ mới khi thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ. Khi đó, nếu Phú Yên không giám sát chặt việc xả lũ của thủy điện An Khê- Ka Nak thì hậu quả lũ lụt ở Phú Yên cuối năm nay sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Vì vậy, cần phải phối hợp với các tỉnh liên quan kiểm tra, giám sát sớm việc vận hành liên hồ mới mong bảo đảm an toàn”.
|
Bình luận (0)