Bứt phá quan niệm cũ
Tôi gặp Hai Thời đang ngồi nhâm nhi với các bạn nghề tính chuyện bao đồng. Không vồ vập, không khách sáo nhưng tấm lòng “vua vịt” luôn rộng mở chân tình đón khách. Giọng nói khàn khàn, phong thái lừ đừ như “ông từ vào đền”, Hai Thời kể về cuộc đời anh đầy những trắc trở trong nghề nuôi vịt. Để được phong “vua” tính ra cái giá phải trả kể cũng khá đắt.
Sinh năm 1950 tại làng Chăm An Nhơn. Học hành đến hết đệ tứ (lớp 9), Hai Thời ở nhà học lái máy cày rồi trở thành thợ lái máy cày năm 20 tuổi. Chiếc máy cày Kubota do Hai Thời lái lăn bánh khắp cánh đồng cả ngàn mẫu tây của xã Xuân Hải. Tính nết hiền lành chịu thương chịu khó làm ăn. Năm 1977, Hai Thời được rước về “làm dâu” gia đình chị Thành Thị Trưng ở thôn Phước Nhơn. Cha mẹ vợ cho 2.000 m2 ruộng lúa làm của hồi môn. Từ ruộng lúa tích cóp “đẻ” ra 2 mẹ con bò giống. Đến năm 1981, Hai Thời bán bớt 2 con bò mua 500 con vịt bầu. Lúc đó, anh đang là cán bộ xã Xuân Hải. Ngoài thời gian lo việc công, Hai Thời lao ra đồng cầm sào chăn vịt. Anh gặp sự phản ứng gay gắt của bà con thân thuộc. Theo quan niệm của người Chăm, chăn vịt chăn gà là việc làm thấp kém, hèn mọn làm ảnh hưởng xấu đến danh gia tộc họ. Gay gắt đến mức có người đòi “từ mặt” Hai Thời nếu cứ bám theo cái đuôi con vịt. Hai Thời lý luận: “Trên đời này không có việc làm nào là thấp kém, chỉ trừ những việc pháp luật ngăn cấm và những quy ước bởi đạo đức xã hội. Nuôi vịt có điều kiện cho con cái ăn học vươn lên xóa đói giảm nghèo hay bó gối ngồi chơi chịu đói chịu dốt?”. Bứt phá được quan niệm cũ lỗi thời là một cuộc cải cách làm thay đổi lớn trong suy nghĩ làm ăn của Hai Thời đối với cộng đồng người Chăm ở xã Xuân Hải. Từ 500 con vịt đẻ ăn nên làm ra trong thời bao cấp, Hai Thời phát triển đàn lên 1.000 rồi 2.000, 3.000 con vịt đẻ. Sức nhà không đủ đảm đương, anh thường xuyên thuê mướn 10 - 15 lao động làm công được nuôi ăn, được trả lương hậu hĩnh, có “chức danh” rõ ràng, như “chánh bầy” chịu trách nhiệm chính trong bầy đàn 1.000 - 2.000 con. Ngoài cơm ăn, thuốc hút, thuốc men đau ốm, tiền thưởng, “chánh bầy” được “vua” trả lương cố định 650.000 đồng/tháng; “thằng cặp” giúp việc cho “chánh bầy” được hưởng tiêu chuẩn sinh hoạt như “chánh bầy”, lương cố định 450.000 đồng/tháng...
Ba lần lao đao vì vịt
Hai Thời nói chắc như đinh đóng cột: “Trong nghề chăn nuôi gia súc gia cầm không có nuôi con gì mau làm giàu như con vịt. Và cũng không có con vật nào mau sạt nghiệp như con vịt”. Hiện nay gia đình anh đang nuôi 6.000 con vịt, trong đó có 3.000 con vịt đẻ và 3.000 con mái hậu bị. Đây là giống vịt bầu địa phương lai với vịt siêu trứng của Trung Quốc do chính anh lai tạo, tuyển chọn. Mẹ bầu lai cha siêu trứng năng suất trứng đạt rất cao. Hiện nay cứ mỗi đêm Hai Thời thu gần 2.200 trứng. Trừ hết chi phí, mỗi đêm có lãi xấp xỉ 1 triệu đồng.
Hơn 20 năm cầm sào chăn vịt, “vua vịt” Hai Thời đã có ba lần thất bại cay đắng. Lần thứ nhất vào giữa năm 1984, đàn vịt đẻ 3.000 con tuy được tiêm phòng đầy đủ nhưng chỉ qua một đêm ngủ đến sáng ngã rạp hơn nửa bầy. Tiếc của đứt ruột muốn treo sào giải nghệ nhưng quen sống với vịt nên khó dứt. Lần thứ hai vào cuối năm 1988, tách chọn 8.000 con vịt thịt định thuê xe chuyển vào TPHCM bán. Bất ngờ cơn bão số 12 ập tới cả bầy chết không còn một chiếc lông. Lần thứ ba, giữa năm 2002 do Ninh Thuận hạn hán kéo dài đàn vịt 5.000 con phải rải lúa cho ăn cầm xác trong 4 tháng ròng tốn ngót trăm triệu đồng nhưng không thu được một trứng! Định bán bầy “chạy hạn” nhưng tiếc công nuôi từ mới tách vỏ đến trưởng thành nên bán không đành.
Hai Thời đưa tôi ra thăm khu vườn nhà anh rộng khoảng 1 ha. Anh trồng xoài gốc Nam Mỹ, sa-pô-chê Thái Lan năng suất cao. Kế sách dài lâu của “vua vịt” là xây dựng mô hình nuôi vịt đẻ bán công nghiệp. Anh không còn đủ sức rong ruổi cầm sào dầm mưa dãi gió như thời trai trẻ để mỗi năm sống xa nhà 7 - 8 tháng đưa vịt chạy ăn đồng, khi ra giáp Quảng Nam, lúc vào tận miệt Đồng Tháp Mười. Nuôi giam tại vườn nhà rải thức ăn công nghiệp. Cách nuôi này tuy lãi ít nhưng phù hợp với tuổi tác “ngũ thập tri thiên mệnh” của Hai Thời.
Xứng đáng ở ngai “vua”
Anh Nguyễn Mận, 40 tuổi, ở xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa có đàn vịt đẻ 1.500 con đang thả đồng Phước Nhơn nói: “So với “vua vịt” Hai Thời thì tôi thuộc loại đàn em xa lắc. Vì quý tấm lòng của Hai Thời nên từ Khánh Hòa tôi lặn lội vào Ninh Thuận nương tựa “vua vịt”. Buôn có bạn bán có phường. Hai Thời là con người sống có tâm, có tình, có tài trong “giới cầm sào” nên được anh em bạn nghề gần xa ngưỡng mộ. Ai khó khăn, ai hoạn nạn tìm về nương tựa đều được anh cưu mang giúp đỡ đến nơi đến chốn. Lúc thành công cũng như khi thất bại, Hai Thời chưa hề bỏ bạn”.
Một năm thu ngót trăm triệu đồng tuy chưa phải là cao giữa thời kinh tế thị trường nhưng trong nghề chăn thả vịt đồng thì Hai Thời xứng đáng với danh hiệu “vua” ở Ninh Hải. Một gia đình người Chăm tiêu biểu trong làm ăn, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn. “Vua vịt” Hai Thời (tức công dân Dương Tấn Thời) vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trao tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất giỏi, thi đua yêu nước.
Bình luận (0)