Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 3-12, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến về phát triển sản phẩm du lịch khu vực Bắc Trung Bộ. Buổi tọa đàm diễn ra sau khi Tổng cục Du lịch tổ chức đoàn có sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành ở TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Định... đi khảo sát tiềm năng du lịch từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Minh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành tỉnh Khánh Hòa, cho rằng không thể tìm sản phẩm du lịch mới để thay thế du lịch biển. Ông Thắng nhận định du khách sẽ quay lại với biển Bắc Trung Bộ vào mùa hè 2017 nhưng chính quyền địa phương phải có chiến dịch ngay bây giờ để giải quyết tâm lý lo sợ.
“Chúng ta phải giải độc thông tin nhanh nhạy. Báo chí từng đăng thông tin, hình ảnh nhiều vị lãnh đạo địa phương ăn cá và tắm biển nhưng hiệu quả chưa cao bởi du khách ở Hà Nội, TP HCM chẳng biết những người này là ai” - ông Thắng nhận xét.
Đại diện nhiều DN lữ hành cho rằng muốn khắc phục hậu quả về sự cố môi trường biển ảnh hưởng tới du lịch thì cần có thông báo chính xác về an toàn biển. Du khách cũng như DN làm du lịch rất muốn có một đơn vị quốc tế giám sát và công bố về tình trạng biển an toàn càng sớm càng tốt.
Theo đại diện nhiều hãng lữ hành, các địa phương Bắc Trung Bộ đều giàu thế mạnh du lịch nhưng nghèo nàn về sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Golden Life Travel (Bình Định), cho rằng các tỉnh Bắc Trung Bộ đều có thế mạnh riêng nhưng na ná nhau về slogan quảng bá du lịch. Bà nhận xét: “Thanh Hóa, Nghệ An nặng về du lịch tâm linh, chỉ thu hút khách du lịch là cựu chiến binh, học sinh, sinh viên. Trong khi đó, một số địa phương bỏ quên du lịch gắn liền với văn hóa, ẩm thực, không làm nổi bật. Ai cũng có thế mạnh nhưng tôi muốn biết điểm nhấn của từng địa phương là gì?”.
Bà Lan đánh giá nhiều địa phương ở Bắc Trung Bộ còn yếu kém về cơ sở vật chất. Tỉnh Quảng Bình có hệ thống hang động khá thu hút du khách nhưng hệ thống nhà hàng, khách sạn còn quá kém, không đa dạng. Du khách chẳng biết tiêu gì, đành phải mang tiền về thì “thật là chán”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Yến Hoa, giám đốc một công ty lữ hành ở Hà Nội, dẫn chứng: “Trong chuyến khảo sát vừa qua, tôi hỏi một khách sạn rằng có thể thanh toán tiền qua thẻ được không thì họ trả lời không. Ngay cả khách sạn tổ chức buổi tọa đàm này (resort Ana Mandara Huế) cũng không có quầy ATM để rút tiền. Du khách đi du lịch hiện mang tiền mặt rất ít, nếu không có dịch vụ đi kèm thì làm sao họ tiêu tiền?”.
Nhiều DN du lịch còn cho rằng các tỉnh Bắc Trung Bộ đang tập trung quá nhiều về đền chùa, di tích. Trong đó, Huế có nhiều điểm du lịch nổi tiếng nhưng hình ảnh quảng bá quá mờ nhạt, cơ sở vật chất nghèo nàn, cách tổ chức chưa chuyên nghiệp.
Sang Indonesia quảng bá
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, một đoàn do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn dẫn đầu đang quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng. “Thời gian tới, tôi cũng dẫn một đoàn sang Indonesia với mục đích quảng bá du lịch khu vực Bắc Trung Bộ nhằm kéo du khách tới các địa phương này” - ông Siêu cho biết.
Bình luận (0)