Căn bệnh hiểm nghèo dường như luôn chực đẩy cô về phía cái chết nhưng từ lâu lắm rồi, cô gái ấy đã xếp lại ý nghĩ mình là nạn nhân của bệnh tật xuống tận đáy sâu của ký ức. Đổi lại, điều mà cô ưu tiên ghi nhớ hơn hết là mình phải đủ mạnh mẽ để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Suy nghĩ đó đã giúp Nguyễn Bích Lan - cô bé kém may mắn - có sức mạnh vượt lên nỗi đau tật nguyền do căn bệnh loạn dưỡng cơ dẫn đến suy tim để trở thành một dịch giả nổi tiếng với việc dịch hơn 20 tiểu thuyết.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan (phải) tại một hội thi dành cho người khuyết tật
Tự học
Sinh ra và lớn lên tại làng Kiều Trai, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - một vùng quê thuần nông, nằm nép mình bên bờ sông Hồng. Tuổi thơ của Lan cũng êm đềm như bao bạn trang lứa cùng làng. Thế rồi, số phận trớ trêu đã ập đến với Lan vào năm 1989 khi mới 14 tuổi, đang là học sinh THCS. Lúc đó, sức khỏe của Lan bỗng nhiên sa sút, sụt cân hơn 10 kg, việc vận động trở nên khó khăn. Cố gắng lắm, Lan mới học hết chương trình THCS rồi thi đỗ lên cấp 3.
Hằng ngày, vượt qua quãng đường khoảng 7 km đến trường, nhiều lần Lan không thể tự đi được mà phải bò từng chút. Rồi đến một ngày, nhận được kết luận của bác sĩ bị loạn dưỡng cơ, Lan phải dừng lại việc học tập của mình. Một năm, rồi hai năm điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng vẫn không thể chữa khỏi bệnh, người Lan cứ nhỏ dần. Cuối cùng, người mẹ đành gạt nước mắt mang con về nhà. Căn bệnh quái ác đã đẩy dần cô bé đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học thành một người khuyết tật. Lúc đó, Lan gần như chỉ có thể quanh quẩn giữa bốn bức tường, khi ngồi xuống không tự đứng lên được, tay không thể thực hiện một số động tác như người bình thường.
Những tháng ngày đó, khi tưởng chừng như đã đi đến cuối đường hầm, Bích Lan đã phát hiện một ánh sáng nhỏ nhoi, tiếp thêm sức mạnh để cô bé bước tiếp trên quãng đường đời đầy gian khó của mình. Đó là tình yêu với tiếng Anh. “Lúc đó em trai tôi lên THPT, bắt đầu được học tiếng Anh. Về nhà, em tôi thường phát âm rất to những từ tiếng Anh cậu ấy học được ở lớp. Khi đó, tôi lẩm nhẩm đọc theo và tự học qua sách của em mình. Biết tôi thích học tiếng Anh, nhiều người thân liền gửi cho tôi nhiều giáo trình, băng cassette dạy tiếng Anh. Trong gần 5 năm, tôi dành ít nhất 6 giờ mỗi ngày để tự học tiếng Anh” - Lan kể lại.
Sau nhiều tháng ngày miệt mài tích lũy, kiến thức tiếng Anh của Lan đã được bồi đắp dần theo thời gian. Nhận thấy ngoại ngữ vẫn còn quá xa lạ với học sinh trong làng, Lan quyết định mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Lúc đầu, nhiều người trong làng ngạc nhiên và nghi ngờ khả năng của Lan. Có người bảo giáo viên được đào tạo chính quy dạy còn chưa hiệu quả, nói gì một cô bé bệnh tật, chưa một ngày đến trường học tiếng Anh mà lại làm cô giáo.
Nhưng tiếng lành đồn xa, khả năng truyền dạy tiếng Anh của Lan đã vượt khỏi lũy tre làng. Một lớp, hai lớp rồi lớp học của Lan có đến ba, bốn lớp (mỗi lớp khoảng hơn 20 học sinh) trong một tuần. Hiện nay, có 8 học sinh của Lan đã trở thành giáo viên ngoại ngữ. “Đó là niềm vui từ sự nỗ lực của bản thân, mình đã tìm lại được niềm tin sống, chắp cánh cho các em vào đại học” - Lan chia sẻ.
Dịch giả sau lũy tre làng
Vừa rồi, Nguyễn Bích Lan đã được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh cho bản dịch tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột (của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup- NXB Văn học). Đó là một thành quả nối tiếp những thành quả trên con đường dịch thuật mà Nguyễn Bích Lan đã chọn.
Lan cho biết sau khi dừng việc dạy tiếng Anh do sức khỏe yếu, Bích Lan đến với công việc dịch thuật cũng hết sức tình cờ, từ sự gợi ý của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng. Bản dịch đầu tay của Lan là tác phẩm Đừng nghi ngờ tình yêu của anh (của nhà văn Úc Daisy Thompson (do NXB Phụ nữ ấn hành năm 2002). “Cuốn sách đầu tay ấy mở ra một chân trời mới cho tôi. Tôi nhận ra rằng việc dịch sách văn học giúp tôi được sống với hai niềm đam mê là văn học và tiếng Anh” - Bích Lan bộc bạch.
Sau thành công ban đầu, Bích Lan tiếp tục hoàn thành nhiều bản dịch khác như Vũ điệu trái tim, Hứa yêu, Lẻ loi, Tro tàn, Mạch buồn, Từ sông Nile đến sông Jordan, Nghìn khuôn mặt của đêm.... của nhiều tác giả danh tiếng trên thế giới. “Hơn 20 tác phẩm dịch là tài sản vô giá đối với tôi, mở ra cho tôi một con đường hòa nhập cộng đồng. Mỗi cuốn sách là một thế giới khác, một nền văn hóa, lịch sử hoàn toàn mới để tìm hiểu. Hiểu điều đó, tôi luôn khát khao chuyển tải đến bạn đọc tất cả những tinh túy của mỗi cuốn sách ấy qua bản dịch của mình” - Bích Lan tâm sự. Để có được bản dịch hay và sát với bản gốc, chị thường liên lạc với tác giả của tác phẩm mà chị đang dịch để nhờ họ giải thích cho những vấn đề mà chị chưa hiểu.
Nói về tác phẩm Triệu phú khu ổ chuột, Bích Lan cho biết khi nhận được những đầu sách mà Công ty Nhã Nam có bản quyền, Bích Lan chọn ngay tác phẩm này. Đơn giản bởi nội dung của tác phẩm kể về một chàng trai nghèo gặp nhiều bất hạnh nhưng rồi cuộc sống đã mỉm cười khi cậu trúng giải thưởng cao nhất của chương trình Ai là tỉ phú, đã làm nổi bật những nét đẹp trong bức tranh của cuộc sống khiến cho những con người khốn khó, khổ đau có thêm niềm tin vào tương lai. Bắt đầu dịch từ tháng 4-2009, Bích Lan hoàn thành Triệu phú khu ổ chuột chỉ trong vòng 3 tháng.
Gặp Nguyễn Bích Lan tại lễ trao giải “Người khuyết tật và việc làm” do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức khi cô đoạt giải đặc biệt của cuộc thi với tác phẩm Ánh sáng cuối đường hầm, cảm nhận đầu tiên của tôi về Lan, đó là một người nhỏ nhắn, mỏng manh nhưng có ý chí và nghị lực phi thường.
Hằng ngày, Lan vẫn lê bước với chiếc nạng gỗ, thế giới của Lan thu nhỏ trong căn nhà cấp 4 nơi thôn dã. Trong căn phòng khoảng 10 m², Lan vẫn âm thầm dịch những trang sách mỗi ngày.
Khó khăn cũng là cơ hội
Bích Lan tâm sự: “Chẳng ai muốn mình gặp khó khăn nhưng khó khăn và thử thách chính là cơ hội để rèn luyện ý chí, đánh thức khả năng tiềm ẩn trong chúng ta, là cơ hội để chúng ta tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Để làm được điều ấy, cần phải có đủ sức để kiên trì, chăm chỉ và lòng tin vào sức mạnh của bản thân”. |
Bình luận (0)