Đến thôn Giang Cách, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, khi chúng tôi vừa hỏi thăm nhà thầy Hoàng Cảnh Giới, nhiều người liền sốt sắng tranh nhau dẫn đường. Trong căn nhà tình nghĩa, thầy đang miệt mài chỉ dạy cho nhóm học sinh (HS) nghèo.
Ngồi xe lăn, dạy miễn phí
Quê tận Cao Bằng, gia đình khó khăn nên trong 7 anh chị em, Giới là người duy nhất học hết THPT rồi thì vào Trường CĐ Sư phạm Cao Bằng. Năm 2005, ra trường, Giới được phân công đến dạy tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô.
Thầy Hoàng Cảnh Giới (hình trên) và thầy Nguyễn Thái Dương (hình dưới) với học trò của mình
Năm 2010, khi đi dạy về, thầy Giới bị tai nạn giao thông khiến đôi chân bại liệt. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ vốn nghèo khó lại càng thêm túng thiếu.
“Không thể đi lại, đứng trên bục giảng nữa, tôi vô cùng thất vọng, nhiều lúc đã nghĩ quẩn. Thế nhưng, nghĩ đến gia đình, lại được người thân và bạn bè động viên nên tôi cố gắng kìm nén nỗi đau, vượt lên để tiếp tục sống. Những suy nghĩ tiêu cực thực sự tan biến khi tôi nhớ đến những HS nghèo khó ở Giang Cách. Phần lớn các em đều học yếu, đứa học khá thì không có điều kiện học thêm. Vì thế, tôi quyết định mở lớp phụ đạo miễn phí tại nhà”.
Từ đó, một lớp học không bàn ghế, không bảng đen hình thành. Thầy giáo di chuyển trên chiếc xe lăn tự chế, còn học trò thì ngồi bệt giữa nền nhà chật hẹp.
Em Hoàng Đào Minh Tài, HS lớp 4, nhớ lại: “Trước đây, em rất sợ học toán. Được thầy Giới chỉ dạy, em thấy rất dễ hiểu. Vừa dạy, thầy vừa kể những câu chuyện về cuộc sống, học rất thoải mái nên càng ngày em càng thích môn toán”. Trong khi đó, ông Lương Xuây Sây - cha em Lương Tiến Hưng, HS lớp 4 - cho biết nhà làm nông, kinh tế còn khó khăn nên con cái không được học thêm. Từ ngày thầy Giới mở lớp, tối nào Hưng cũng đến học và tiến bộ hẳn.
“Thấy tôi dạy vất vả, nhiều phụ huynh đem tiền tới gửi nhưng tôi không lấy vì nhà các HS còn nghèo. Vì thế, thỉnh thoảng họ lại đem cho bó rau, nải chuối, đến mùa vụ lại lên rẫy giúp gia đình tôi thu hoạch” - thầy Giới khoe.
Theo ông Lê Thuần Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Drô, hoàn cảnh gia đình thầy Giới hết sức khó khăn. Dù bị liệt cả 2 chân nhưng thầy vẫn tận tâm dạy miễn phí cho các em nhỏ trong thôn, xã. Mới đây, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã đề nghị UBND xã kêu gọi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ, giúp thầy mở một lớp dạy văn hóa cho HS nghèo.
Thầy trò đồng cảm
Thầy Nguyễn Thái Dương cũng bị liệt chân nhưng khi chỉ mới 2 tuổi. Năm 1981, sau một cơn sốt co giật, Dương liệt hoàn toàn chân phải. Mặc cảm trước hoàn cảnh của mình, không ít lần Dương có ý định chạy trốn tương lai nhưng nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ, Dương lại tự động viên mình không được phép đầu hàng số phận.
Năm 1999, Dương thi đậu chuyên ngành ghi-ta Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Ra trường, Dương về làm việc tại cơ sở dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân ở TP Buôn Ma Thuột. Đầu năm 2007, khi đi qua Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk, thầy Dương chứng kiến những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ gào thét, bấu xé bản thân. Như một sự đồng cảm, thầy tự nhủ sẽ xin vào trung tâm công tác với hy vọng góp phần giúp những đứa trẻ kém may mắn ấy vơi bớt nỗi đau.
“Lúc mới về trung tâm, tôi gặp không ít khó khăn. Hầu hết trẻ khuyết tật ở đây đều không ý thức được, nhiều em đi vệ sinh ngay trong lớp. Tôi đành phải dừng lớp học để dọn dẹp. Thế nhưng, nghĩ đến nỗi đau, sự thiệt thòi của hơn 100 HS, tôi quyết tâm phải cùng các em vượt qua khó khăn” - thầy tâm sự.
Thầy Dương đã tự học hỏi về ngôn ngữ ký hiệu để dễ dàng giao tiếp với HS. Sự tận tụy, cố gắng của thầy gần 10 năm qua đã được đền đáp với nhiều em đậu vào nhạc viện và đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ. Thầy còn đứng ra thành lập nhóm nhạc “Nhịp sống”, quy tụ những người khuyết tật đam mê âm nhạc ở Đắk Lắk. Nhóm nhạc này đã thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ để gây quỹ cho các câu lạc bộ khuyết tật.
Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk, cảm kích: “Là người khuyết tật nhưng thầy Dương rất cố gắng, năng nổ và luôn hoàn thành tốt việc giảng dạy. Thầy đã giúp những đứa trẻ khuyết tật khắc phục khó khăn, không còn mặc cảm. Thầy Dương là tấm gương sáng để HS khuyết tật vươn lên, trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-11
Hai lần suy sụp
Hơn 20 năm trước, khi đang học lớp 11, cô Lê Thị Hồng bị ung thư xương chân trái. Từ một thiếu nữ hồn nhiên vui tươi, sau ca phẫu thuật cắt chân trái, cô không còn nghị lực sống. Sau những đêm nằm khóc ướt cả gối, cô đã nỗ lực vượt qua nỗi đau để tiếp tục học hành. Tốt nghiệp Khoa Sư phạm toán Trường ĐH Tây Nguyên, cô về dạy ở Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Pắk), đến năm 2008 thì chuyển về Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).
Đi lại khá khó khăn trong khi trường cách nhà hơn 20 km, hằng ngày, cô Hồng phải đi dạy bằng xe buýt. Từ những chuyến xe buýt, cô và anh nhân viên soát vé Trần Văn Tịnh quen biết, yêu thương nhau rồi nên duyên vợ chồng vào năm 2012.
Đầu năm 2015, cô Hồng một lần nữa suy sụp khi biết căn bệnh ung thư bắt đầu di căn lên phổi và vòm họng. Nhờ người chồng luôn ở bên cạnh động viên, cô lại vượt qua nỗi đau để tiếp tục gắn bó với trường lớp. “Tinh thần lạc quan chính là phương thuốc hữu hiệu nhất giúp tôi sống chung với căn bệnh hiểm nghèo suốt 20 năm qua” - cô cho biết.
Cô Nguyễn Thị Tây Thi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hữu Trác, nhận xét: “Dù hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nhưng cô Hồng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến”.
Bình luận (0)