Ngày 29-12, Chính phủ tiếp tục Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.
Bảo đảm hài hòa mục tiêu
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết năm 2016, dù lãi suất gặp áp lực ngay từ đầu năm nhưng nhờ điều tiết cung tiền hợp lý, bình quân lãi suất cho vay giảm 0,5%-1% so đầu năm. Thị trường ngoại tệ và tỉ giá khá ổn định, ngay cả trước những diễn biến bất thường và tác động rất mạnh tới nền kinh tế các nước như sự kiện Anh rời EU, bầu cử Tổng thống Mỹ…, giúp củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam.
“Cho đến cuối năm 2016, đồng Việt Nam mới mất giá 1,1%-1,2% và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường rất ổn định” - Thống đốc NHNN nói và cho biết tăng trưởng tín dụng đúng định hướng đề ra và dự kiến đến cuối năm có thể đạt khoảng 18,5%. Tuy nhiên, do dự báo năm 2017, kinh tế thế giới nhiều diễn biến khó lường nên theo ông Hưng, chính sách tiền tệ phải tiến hành thận trọng, linh hoạt để bảo đảm hài hòa mục tiêu khi tăng trưởng kinh tế đặt ra mức cao hơn.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết năm 2016, toàn lực lượng đã triệt phá 1.990 băng nhóm tội phạm; trong đó có nhiều băng nhóm nguy hiểm, núp bóng các công ty, doanh nghiệp (DN) để hoạt động chống phá làm ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các DN. “Trong phạm vi quốc gia chúng ta, nảy sinh các vấn đề di dân di cư mà nếu không làm tốt sẽ gây nên những dấu hiệu bất ổn trong điều hành, quản lý. Khẩu hiệu chúng ta hiện nay là ổn định để phát triển nhưng bây giờ đề xuất đổi lại phát triển để ổn định” - ông Tô Lâm nói.
30 công việc cần thực hiện
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh có 30 công việc cần thực hiện trong năm 2017. Trong đó, chú trọng tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát không quá 4%; tăng trưởng cao hơn 2016, gắn tái cơ cấu nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sức cạnh tranh... Nếu không, chúng ta sẽ tụt hậu, không giải quyết được thách thức về kinh tế, môi trường, đối ngoại và không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
“Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương phải vượt qua được lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ… thì mới thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Mà không phải chỉ tái cơ cấu nền kinh tế, còn giáo dục, y tế, các ngành, các cấp cũng phải tái cơ cấu. Vẫn vận hành bộ máy cũ, cách làm cũ thì sẽ không hiệu quả được” - Thủ tướng thúc giục và lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nâng cao đời sống vật chất của người dân, không để mất lòng dân bởi “có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả”.
Về chấn chỉnh công tác quy hoạch đô thị, Thủ tướng nói: “Có điều rất lạ là tất cả cơ sở được di dời đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao. Nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng, gây ách tắc giao thông, cấp thoát nước, điện lực, vệ sinh môi trường”. Thủ tướng yêu cầu tất cả địa phương, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, cần nghiêm túc rà soát lại, chấn chỉnh kịp thời việc này trước khi quá muộn… “Đề nghị các đồng chí không vì lợi ích trước mắt, thậm chí lợi ích nhóm mà quên lợi ích chung của cả cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách đổ vào cũng không thể đủ để giải phóng mặt bằng, chống ùn tắc giao thông” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải làm quyết liệt
“Phải làm quyết liệt, từ chủ tịch tỉnh, các bộ trưởng không để thất thoát, tham nhũng tiếp tục xảy ra; kiên quyết xử lý DN, dự án thua lỗ ngàn tỉ không thể phục hồi, nếu để kéo dài thì thiệt hại càng lớn, thất thoát càng lớn. Công khai, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả người tham mưu” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và nhắc lại chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, DN.
Bình luận (0)