- Ông Vũ Văn Vượng: Có thể nói nước ta chưa có nơi nào đào tạo phi công thương mại. Ngay Trường HK trước đây - nay là Học viện HK- cũng chỉ mới đào tạo một số ngành chuyên môn, kỹ thuật cho HK dân dụng. Đào tạo phi công thương mại là loại hình đào tạo đặc thù, yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về cơ sở vật chất, trang bị, chương trình đào tạo... mà chúng ta chưa theo được. Vì vậy, hầu hết phi công phải gởi đi đào tạo ở nước ngoài. Nhưng bắt đầu từ năm 2008, Học viện HK sẽ đào tạo khóa phi công cơ bản đầu tiên cho Vietnam Airlines (VNA).
- Nếu vậy chúng ta có còn phải gởi người ra nước ngoài đào tạo phi công nữa không?
- Trung tâm Đào tạo phi công của Học viện HK sẽ thay thế đào tạo phi công cơ bản mà trước nay VNA phải gởi ra nước ngoài đào tạo. Trung tâm được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Pháp, tại sân bay Cam Ranh. Hiện cơ sở vật chất đã xây dựng xong, thiết bị kỹ thuật đặc chủng cũng đã nhập về, sẽ bay thử nghiệm vào tháng tới. Khóa đầu tiên này chủ yếu do các giáo viên Pháp dạy. Phía Pháp còn giúp chúng tôi đào tạo đội ngũ giáo viên, để có thể sau vài năm, chúng ta chủ động đào tạo phi công hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Việc tuyển và đào tạo phi công sẽ được tiến hành ra sao?
- Trước mắt, khóa đầu tiên chúng tôi đào tạo theo đơn đặt hàng của VNA. Học viên sẽ được học lý thuyết, thực hành trên thiết bị bay giả định rồi máy bay thật loại 1 động cơ, 2 động cơ, thời gian khoảng 18 tháng. Sau đó có những khóa ngắn hạn chuyển loại. Dĩ nhiên, kinh phí đào tạo phi công trong nước sẽ rẻ hơn nước ngoài rất nhiều. Có thể vài năm nữa, Học viện HK mới tự tuyển dụng phi công.
- Để tháo gỡ khó khăn trong việc đào tạo phi công và giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực quan trọng này, các ông có nghĩ đến việc xã hội hóa đào tạo phi công?
- Tôi nghĩ đó là xu thế tất yếu. Với tiềm lực kinh tế hiện nay, rất nhiều gia đình đã cho con em du học nước ngoài. Chi phí học tại một trường đại học ở Mỹ hoặc Úc cả 100.000 USD, tương đương kinh phí đào tạo một phi công thương mại hiện nay. Vấn đề quan trọng là phải có cơ chế để bảo đảm khi đào tạo xong, họ sẽ được sử dụng.
- Ngoài làm việc cho các hãng HK trong nước, họ có được phép tự do “xuất khẩu” làm việc cho các hãng nước ngoài hay không?
- Trước nay chúng ta bao cấp đào tạo thì dĩ nhiên mức lương trả thấp, nếu họ tự bỏ tiền ra học thì không thể trả mức lương như VNA hiện nay được. Còn xuất khẩu nguồn nhân lực này tôi cũng chưa thấy tiền lệ. Đây là vướng mắc lớn nhất.
Hiện Học viện HK và Tổng Công ty HK VN đang bàn bạc, lựa chọn phương hướng phát triển cho một trung tâm đào tạo phi công thương mại quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ông Phan Xuân Đức, Đoàn trưởng Đoàn bay 919: Đào tạo phi công lấy lại vốn rất nhanh Chỉ tốn khoảng 100.000 - 150.000 USD đầu tư đào tạo một phi công, khi ra hành nghề mà trả lương như VNA hiện nay thì cũng chỉ từ 2 -5 năm là lấy lại vốn. Nếu xã hội hóa việc đào tạo, gia đình tự bỏ kinh phí toàn bộ, thì chỉ cần trả lương gấp đôi VNA hiện nay thì lấy lại vốn cũng rất nhanh. Nếu cho phép xuất khẩu lao động, tức bay cho các hãng nước ngoài, thì chỉ hơn 1 năm là lấy lại vốn. Ngành HK dân dụng thế giới đang trong xu thế phát triển rất nhanh, nhiều hãng mới thành lập, mở thêm đường bay. Dự báo, sắp tới nhu cầu phi công lớn hơn hiện nay nhiều lần. Do vậy trong nước cần hình thành thị trường lao động đặc thù này để không chỉ đáp ứng cho các hãng trong nước mà còn cung cấp cho các hãng nước ngoài. |
Bình luận (0)