Đọc tin về mấy ổng thấy hổng có vui. Hy vọng mấy ổng ít xuất hiện trên mặt báo thì mọi người cảm thấy vui hơn”.
Một bạn đọc đã bình luận như vậy về bản tin “Xăng tăng giá 300 đồng/lít” trên Báo Người Lao Động tối 21-2.
Được sự cho phép của liên bộ Tài chính - Công Thương, các doanh nghiệp (DN) đã tăng giá bán lẻ những mặt hàng xăng dầu trong khoảng 204-307 đồng/lít kể từ 20 giờ ngày 21-2. Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp nhà nước đang thống lĩnh thị phần xăng dầu Việt Nam với khoảng 60% - đã tăng giá bán xăng A92 thêm 300 đồng/lít (lên 24.510 đồng/lít); dầu diesel tăng thêm 240 đồng/lít; dầu hỏa tăng thêm 230 đồng/lít, dầu ma dút tăng thêm 200 đồng/lít... Ngoài ra, liên bộ còn cho phép dừng trích quỹ bình ổn đối với dầu hỏa và dầu ma dút. Lý do vẫn như cũ: Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục biến động mạnh khiến giá cơ sở của các mặt hàng cao hơn giá bán hiện hành khoảng từ 204-527 đồng/lít.
Ai cũng thấy tăng giá là để giảm lỗ cho các DN xăng dầu đầu mối, dù không hề có cơ sở vững chắc nào để khẳng định các DN này lỗ thật. Hoặc cũng nhờ cách này, thay vì lỗ, các DN xăng dầu vẫn duy trì được lãi, tuy có thể ít hơn.
Tháng sau Tết, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn còn “neo” cao, cộng đồng DN nhìn chung chưa gỡ khó được. Vì vậy, tăng giá xăng dầu vào thời điểm này lập tức tác động đến mâm cơm của từng nhà và két sắt của từng DN. Phũ phàng nhưng phải cắn răng mà chịu, nếu không thì cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không thể không mua nếu muốn đi lại, vận tải, sản xuất...
Chuyện lỗ thật hay giả, tính giá cơ sở có đúng hay không, duy trì định mức kinh doanh 300 đồng/lít cho DN xăng dầu có hợp lý chưa hay tại sao phải duy trì quỹ bình ổn (trích từ tiền của khách mua nhiên liệu)... trước nay đã bàn khá nhiều. Từ đó, những bất hợp lý cũng đã lộ rõ, các bộ đã thấy, các DN xăng dầu tất nhiên quá hiểu song mọi thứ cứ bị lờ đi. Và đến hẹn lại lên, chỉ cần thấy giá thế giới nhảy valse thì các DN xăng dầu nhanh chóng cho giá trong nước nhảy disco. Ngay cả khi giá thế giới thôi khiêu vũ thì giá xăng dầu trong nước vẫn say sưa bám sàn nhảy!
Hành vi tăng giá cứ lặp lại đã thành thói quen. Thói quen ấy lại được cơ quan quản lý ủng hộ nên đã thành bản chất. Mà bản chất thì khó hòng thay đổi. Vì thế, sẽ còn đau khổ dài dài với giá xăng dầu, ít nhất là đến khi Nghị định 84/NĐ-CP về quản lý, kinh doanh mặt hàng này được điều chỉnh.
Câu chuyện giá xăng dầu cũng giải thích được một phần vì sao hầu hết các DN nhà nước dây dưa cổ phần hóa. Nóng lòng trước thực trạng ấy, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cuộc đại phẫu. Nhà nước sốt ruột một, người dân sốt ruột mười. Hãy bắt đầu ngay và thật nhanh, trước hết là những ngành độc quyền như xăng dầu, điện...
Bình luận (0)