Kể từ 15 giờ ngày 4-1, giá xăng RON 92 giảm 370 đồng/lít, đưa giá bán lẻ về mức 16.030 đồng/lít. Trước đó, trong năm 2015, giá xăng đã có 18 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 12 lần giảm. Sau 12 lần giảm giá, mặt hàng xăng RON 92 đã giảm trên 7.000 đồng/lít.
Chờ xăng giảm xuống 15.000 đồng mới tính!
Dù giá xăng liên tục giảm nhưng khi nhắc đến việc giảm cước vận tải, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá ngần ngại. Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng - doanh nghiệp ông đã giảm giá cước từ 3%-7% tùy loại hình từ cuối tháng 12-2015. Trước đó, vào giữa tháng 11-2015, doanh nghiệp này cũng giảm cước taxi với mức giảm giá mở cửa khoảng 17% (tương ứng 2.000 đồng), các km tiếp theo giảm 500-1.000 đồng/km. Theo đó, cước taxi của doanh nghiệp này xoay quanh mức 11.000-12.000 đồng/km, tùy loại xe.
Với lần giảm giá xăng dầu ngày 4-1 này, ông Hải cho biết chưa tính đến việc giảm cước taxi. Theo ông, mức giảm giá xăng dầu không lớn và doanh nghiệp của ông cũng đã tiến hành giảm giá cước ở các thời điểm giảm giá xăng dầu trước đó.
“Với mức giảm giá xăng chỉ vài trăm đồng thì không thể giảm cước được. Nếu qua các lần điều chỉnh cộng lại, mức giá giảm đến khoảng 1.000 đồng/lít xăng, dầu thì chúng tôi sẽ giảm cước” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ hãng Taxi 63 ở Hải Phòng, cho hay mỗi lần điều chỉnh cước taxi, doanh nghiệp phải tốn kém rất nhiều chi phí, thông thường mỗi xe mất khoảng 300.000 đồng. Hơn nữa, trong thời điểm đầu năm 2015, khi xăng dầu có các đợt tăng giá, doanh nghiệp này không hề điều chỉnh tăng cước nên khi giảm giá xăng dầu, doanh nghiệp không thể giảm cước được nữa. Ngoài ra, cũng theo ông Tấn, hiện chi phí của dịch vụ giao thông rất tốn kém nên mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng doanh nghiệp không tiết giảm được chi phí. Đó là lý do khó giảm cước vận tải.
Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Ba Sao Group (hãng taxi Ba Sao tại Hà Nội), khẳng định hiện cước taxi của doanh nghiệp này là 11.000 đồng với 20 km đầu. Từ km 21 trở đi, giá cước dao động từ 9.000 - 12.000 đồng/km tùy vào dòng xe.
“Giá cước này doanh nghiệp đã chịu đựng từ thời điểm xăng chỉ có 15.000 đồng/lít thôi. Khi xăng lên, một phần do cơ quan quản lý có chỉ đạo điều hành, một phần do doanh nghiệp muốn chia sẻ với người tiêu dùng nên doanh nghiệp đã tiết kiệm chi tiêu để không tăng giá cước. Nếu như giá xăng về mức từ 15.000 đồng/lít trở xuống thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ giảm giá, còn hiện nay thì chưa” - ông Huy nói.
Chờ động thái của các “ông lớn”
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhấn mạnh hiệp hội đã đề nghị một số hãng taxi lớn trên địa bàn TP giảm giá cước, trong đó Mai Linh cam kết sẽ tính toán lại và giảm cước trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, đến nay, kể cả Mai Linh hay các hãng khác cũng chưa thấy đăng ký giảm cước” - ông Liên cho biết. Ông Liên cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục giảm, việc các hãng taxi phải kê khai lại giá cước và giảm phù hợp là điều nên làm. “Không thể cứ chây ì và chần chừ thêm nữa” - ông nhận xét.
Trước việc giá xăng tiếp tục giảm, đại diện nhiều hãng taxi tại TP HCM cho biết đang rà soát, tính toán và đưa ra phương án giảm giá cước phù hợp để cân đối kinh doanh. Giá xăng tiếp tục giảm gần 400 đồng/lít vào ngày 4-1 đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung và các hãng taxi nói riêng. Nhiều hãng taxi ở TP HCM cho biết đang lên kế hoạch điều chỉnh giảm giá cước để góp phần bình ổn thị trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại khẳng định việc thay đổi giá cước đồng thời sẽ phát sinh nhiều loại chi phí khác. Cụ thể là các chi phí trong việc điều chỉnh đồng hồ cước, in lại bảng giá, thay đổi kế hoạch kinh doanh...
“Do đó, nếu số lượng xe của một doanh nghiệp lên đến hàng ngàn chiếc thì chi phí bỏ ra là không nhỏ. Việc làm mới toàn bộ hệ thống vốn đã ổn định cũng sẽ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và phát sinh nhiều chi phí” - đại diện một hãng taxi băn khoăn.
Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, các hãng xe hiện đang cạnh tranh gay gắt nên phần lớn đều đang tính toán kỹ rồi mới đưa ra mức điều chỉnh giá cước phù hợp để cân đối kinh doanh.
Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho biết giá xăng RON 92 chỉ giảm 373 đồng/lít nên không tác động gì đến cước taxi. “Hiệp hội cũng như hãng taxi Vinasun chưa có động thái gì đến chuyện điều chỉnh giá” - ông Hỷ nói.
Ông Lê Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long, cũng cho hay mới tiếp nhận thông tin giảm giá xăng dầu nên hãng chưa tổ chức họp bàn về vấn đề này.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều hãng taxi nhỏ đang khá bị động trong việc điều chỉnh giá cước. Đại diện một hãng taxi phân trần: “Chúng tôi đang theo dõi các hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun… có điều chỉnh hay không rồi mới tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, với việc giảm giá xăng lần này thì khó có thể điều chỉnh giá cước”.
Lần giảm đầu tiên trong năm
Giá xăng RON 95 cũng giảm 370 đồng/lít, giá bán lẻ từ 17.100 đồng/lít xuống còn 16.730 đồng/lít. Xăng sinh học giảm 570 đồng/lít xuống còn 15.330 đồng/lít.
Trong khi đó, giá các loại dầu giảm mạnh hơn, từ 790-870 đồng/lít tùy loại. Cụ thể, dầu diesel giảm 870 đồng/lít, xuống còn 11.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 790 đồng/lít, xuống còn 10.270 đồng/lít. Dầu ma dút giảm 600 đồng/lít, xuống còn 7.540 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh giá xăng đầu tiên trong năm 2016.
Bình luận (0)