xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xanh lại Attapeu

Bài và ảnh: NGUYỄN THIÊN DI

Với kỹ thuật tưới nhỏ giọt qua van điều áp, số dây dẫn để tưới cho 50.000 ha cao su và mía của Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu (Lào), trải ra đúng… 2 vòng trái đất

Tháng 2, Attapeu nắng mênh mang, dội lửa. Nắng từ ngã ba biên giới, oi nồng suốt hơn 50 km đường đèo. Chỉ trên những cung đường đèo là còn màu xanh cây lá, qua khỏi đèo, con đường dẫn về thị xã Attapeu chỉ có bụi đỏ và nắng chói chang, hầm hập. Những ngả đường dẫn lối vào các bản trơ trọi cây khô, nhiều đoạn sông cạn nước trơ đáy cát vàng…

Bắt đầu từ “nước” và “điện”

Nhưng cũng trên đoạn đường về thị xã Attapeu, đã có những mảng xanh làm dịu lòng người. Đó là những tán rừng cao su do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trồng đã lên mơn mởn. Đang cao điểm mùa khô mà cao su vẫn xanh, cái sự lạ ấy bây giờ đã thành không lạ với người Attapeu. Ông Nguyễn Văn Sự, Tổng Giám đốc HAGL, cười ý nhị: Đó là kết quả của 5 năm trồng cao su trên đất Lào. Trong câu chuyện, ông Sự không nói nhiều đến những ngày đã qua nhưng với những cánh rừng cao su trùng điệp, những nông trường mía bạt ngàn, những nhà máy hiện đại, trường học, cầu đường, dễ hiểu HAGL đã đổ vào đây bao tâm lực để có một diện mạo hôm nay của Attapeu, một trong những tỉnh nghèo nhất của Lào.

img
Những cánh rừng cao su bạt ngàn chạy vào tận chân núi ở Attapeu
 
Trước khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, quyết định đầu tư vào đất này, không ít nhà đầu tư đã đến và quay đi bởi tỉnh này chẳng có gì ngoài… đất, thị xã tỉnh lỵ Attapeu còn vắng vẻ hơn thị trấn biên giới Plei Kần của huyện Ngọc Hồi - Kon Tum của nước ta. Đất ở đây lại xấu, mùa khô kéo dài, cây cỏ cũng héo úa, dễ gì trồng được cây cao su. Nhưng ông Đoàn Nguyên Đức và các cộng sự cùng những lao động người Việt và Lào đã quyết tâm làm và làm thành công.
 
Năm năm với rất nhiều câu chuyện song tựu trung, theo ông Sự, vẫn là tầm nhìn và ý chí, là dốc hết tâm lực với địa phương đầu tư, là nỗ lực để chứng tỏ hướng đi đúng và thời gian đã đem lại câu trả lời. Với Attapeu, để đi lên, phải bắt đầu từ 2 chữ “nước” và “điện”, từ đó mới có thể phát triển cây công nghiệp, xây dựng nhà máy, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Dù khô cằn nhưng Attapeu có 4 con sông, là nguồn nước quý giá nếu biết khai thác sử dụng, còn nguồn điện thì tự tay HAGL tạo dựng.

Tưới cây qua van điều áp

Trên chiếc xe chuyên dụng để leo đường núi, suốt cả buổi chiều chúng tôi vẫn không thể đi hết những cánh rừng cao su của HAGL trồng trên địa bàn huyện Phuvong. Ông Phan Thanh Thủ, Tổng Giám đốc HAGL tại Lào, cho biết: HAGL đã trồng được 25.000 ha cao su, 6.000 ha mía tại các huyện Phuvong, Sanxay, Saysetha, Samakhixay và hiện đang trồng thêm 6.000 ha mía. Theo ông Thủ, qua khảo sát Attapeu, vùng đất này lại có nhiều tiềm năng và lợi thế cho cây cao su phát triển, như cao độ dưới 200 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 28oC…
 
Nhưng khi bắt tay vào thực tế, trở ngại là dưới lớp đất mặt là lớp đất sét, đá ong; cũng may là lớp đá ong này không quá dày. Do đó, HAGL dùng máy khoan chuyên dụng, đào hố sâu 1,2 m, rộng 60 cm để tạo điều kiện cho cây cao su có bộ rễ khỏe và tăng khả năng hút nước mạnh. Cây giống được chọn là cây có 3 đến 4 tầng lá, được ươm trong vườn ươm kỹ thuật cao, có sức tăng trưởng ổn định và sức đề kháng tốt với sâu bệnh.
img
Những sản phẩm đầu tiên của nhà máy chế biến mủ cao su HAGL

Để cây sống mạnh cả trong mùa khô, HAGL có bước đột phá táo bạo về sử dụng nguồn nước. Đó là hút nước từ 4 con sông Nậmkông, Sêkông, Xekaman, Sê Xụ rồi bơm lên các hồ nước nhân tạo (mỗi hồ có dung tích 20.000 m3) , sau đó chuyển tiếp vào các hồ nhỏ hơn để đưa nước về từng cây. Tại các hồ trung chuyển, lượng phân bón được hòa vào sau khi các kỹ thuật viên đã chẩn nghiệm dinh dưỡng cho từng lô bằng việc phân tích đất và lá cây cao su.

Chính công đoạn tưới này đã tạo ra ấn tượng mạnh nhất với khách tham quan với hệ thống ống dẫn dày đặc dưới các tán cây. Đưa tay chỉ gốc cây cao su 3 năm tuổi tán lá xanh tươi đang nhận từng giọt nước tí tách qua ống dẫn, ông Thủ cho biết: “Đang mùa khô này, dội cả thùng nước, chưa thấm đến vài tấc đã bốc hơi ngay nhưng chúng tôi tưới qua van điều áp, từng giọt từng giọt sao cho đủ 2 lít/giờ, cứ vậy mà thấm đẫm, cây được hút đủ nước, mùa khô vẫn không rụng lá”. Cách thức này chính là bí quyết thành công nhiều năm qua của Israel để đem lại những mảng xanh cho sa mạc Negev, HAGL nhập công nghệ và vận dụng tại đất Lào. Mỗi hecta cần 1,6 km dây dẫn. Tính cả diện tích mía, số dây dẫn để tưới của HAGL trên đất Attapeu cho 50.000 ha, trải ra đúng… 2 vòng trái đất.

Thêm cơ hội cho Attapeu “cất cánh”

Trên những ngả đường Attapeu, dấu ấn HAGL không chỉ là màu xanh của cao su, của mía, của những rừng cọ (đang trồng thử nghiệm ở huyện Saysetha) mà còn là những dãy nhà khang trang cho công nhân người Lào định cư, là bệnh viện, trường học, cầu đường HAGL xây tặng người dân địa phương. Những hộ gia đình người địa phương có ít nhất 2 lao động làm việc cho tập đoàn, cam kết làm việc từ 10 năm trở lên, được nhận 1 căn nhà 1 trệt 1 lầu, diện tích 80 m2 với đầy đủ điện nước, nhà vệ sinh, được thiết kế theo kiểu nhà truyền thống của người bản địa.
 
Còn bệnh viện mới do HAGL xây dựng ở trung tâm thị xã Attapeu có 200 giường bệnh, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe người dân các tỉnh Nam Lào và công nhân của HAGL. Trên con đường vào nhà máy điện, nhà máy đường là vẻ khang trang của ngôi trường do HAGL xây dựng, là cây cầu Sê Xụ bắc qua sông Sêkông nối 2 huyện Phuvong và Saysetha với trụ bê tông vĩnh cửu, dầm thép, có tải trọng 30 tấn. Những công trình này đều là viện trợ không hoàn lại, thể hiện cam kết của HAGL vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Attapeu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng và tình nghĩa giữa hai dân tộc Việt - Lào.

Chưa nói đến những dự án, những lĩnh vực đầu tư kinh doanh khác của HAGL, chỉ riêng đầu tư vào Attapeu cũng đủ nói lên cái quyết đoán, tầm nhìn xa rộng của ông Đoàn Nguyên Đức, cùng sự nhanh nhạy, đoàn kết, chất máu lửa của từng cộng sự thân thiết của ông, những thành viên ban tổng giám đốc, như các ông Nguyễn Văn Sự, Võ Trường Sơn, Nguyễn Văn Minh, Phan Thanh Thủ... Mỗi người một vẻ, tài trí cộng hưởng lại làm nên sự thành công của HAGL. Cũng đã thành nền nếp bình thường tại HAGL ở các cấp: Làm tốt thì được thưởng nhiều, làm dở thì tự động rời chức vụ, nhường cho người khác, không có gì phải lăn tăn.

Tháng 2-2013, nhà máy điện 30 MW đã hòa lưới quốc gia Lào, sau nhà máy chế biến mủ, nhà máy đường là các nhà máy cồn, nhà máy phân bón sẽ đi vào hoạt động. Dự án sân bay do HAGL đầu tư cũng sắp được triển khai, sẽ thêm cơ hội cho Attapeu “cất cánh”. HAGL đem lại màu xanh, sự khởi sắc cho Attapeu từng ngày. Ông Somsavad Lengsavath, Phó Thủ tướng Lào, đánh giá: “Đầu tư thành công của HAGL tại Attapeu đem lại những bài học quý báu. Đó là phải có năng lực về vốn, quyết tâm cao, tầm nhìn dài hạn về lợi ích, dám nghĩ dám làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; đầu tư trọng điểm, khép kín, đồng bộ; phối hợp cơ quan chức năng Việt - Lào và địa phương; gắn với dân, đem lợi ích cho dân”.

Nên duyên trên đất Lào

Sau 5 năm, khi những lô cao su đầu tiên đã bắt đầu thu hoạch cũng là lúc HAGL khánh thành nhà máy chế biến mủ và nhà máy đường, đưa vào vận hành nhà máy điện. Theo ông Đoàn Nguyên Đức: Đến cuối năm 2012, HAGL đã trồng 44.000 ha cao su tại 3 nước, trong đó tại Lào 25.000 ha, tạo việc làm 15.000 lao động. Nhà máy chế biến mủ cao su là khâu cuối của quá trình đầu tư, công suất 25.000 tấn, đem lại doanh số hàng trăm triệu USD.

img
Nụ cười của 2 lao động trẻ Đỗ Phạm Võ Ý Nhi và Đỗ Thị Cẩm Nhung

Tại nhà máy, chúng tôi gặp 2 lao động nữ Đỗ Phạm Võ Ý Nhi và Đỗ Thị Cẩm Nhung. Cả hai đều tốt nghiệp Khoa Sinh và Kỹ thuật công nghệ Trường Đại học  Quang Trung, TP Quy Nhơn - Bình Định, sang Lào đầu quân cho bầu Đức. Cười rất tươi, cả hai cho biết xa nhà những ngày đầu cũng buồn, song ở đây có thu nhập ổn định, đồng nghiệp quan tâm chăm sóc nhau nên sẽ yên tâm làm việc lâu dài. Trên lô cao su trồng lứa đầu tiên, nam công nhân Châu Thanh Hùng cho biết công việc cạo mủ cũng nhẹ nhàng, sau 1 tháng học nghề là làm được, hiện Hùng có chỗ ăn ở ổn định tại nông trường, thu nhập 300 USD/tháng.

Ngày 13-4 cũng là ngày đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Hoàng - Nguyễn Thị Trúc Hà làm lễ kết hôn trên đất Attapeu. Chú rể dân Quảng Bình, làm tài xế nhiều năm cho HAGL, cô dâu là người phố núi Pleiku, làm kế toán cho HAGL tại Lào. Qua những chăm sóc chu đáo và tinh tế, cô gái phố núi đã giữ được chân chàng tài xế có vẻ ngoài mạnh mẽ, phong trần. Với Attapeu, những câu chuyện đều bắt đầu thật đẹp…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo