Tại tỉnh Kiên Giang, nhiều chợ không một ai vào mua bán, có nơi chỉ để phơi lúa, làm sân bóng!
Ông Doãn Tấn Đạt - chủ tịch UBND xã Phi Thông,TP Rạch Giá - bức xúc: Chợ xã Phi Thông xây xong đã lâu nhưng chưa có hệ thống nước, điện thì vào đây chỉ bán cho... ma. Mặc dù UBND TP Rạch Giá đã chỉ đạo bằng mọi cách phải thực hiện ngay các công trình phụ để đưa chợ vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2006 nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Trưởng phòng quản lý thương mại (Sở Thương mại Kiên Giang) Phan Hồng Nhật bức xúc: “Ngay TP Rạch Giá có chợ An Hòa đưa vào hoạt động năm 1994 với tiền đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Hiện nay chỉ có 15 hộ kinh doanh hàng nông sản, bách hóa và chỉ họp vào buổi sáng”.
Còn tại thị xã Hà Tiên, không biết qui hoạch kiểu gì mà cho “đẻ” thêm chợ ngay trong nội ô trung tâm là chợ Pháo Đài với tiền xây dựng gần 500 triệu đồng. Đưa vào hoạt động cuối năm 2003, đến nay không có tiểu thương nào đăng ký “họp chợ”.
Vậy mà chính quyền lại cho xây dựng thêm chợ Đặc Thụ (khu phố 4, phường Đông Hồ) với số tiền khoảng 1 tỉ đồng. Đưa vào sử dụng năm 2005 đến nay chỉ toàn bán mỗi một thứ hàng hóa - đó là trái cây! Chợ Giục Tượng (Châu Thành) đưa vào hoạt động từ năm 2002 đến nay các hộ đăng ký vào chợ mua bán chỉ trên...giấy!
Chợ Xẻo Rô (An Biên) đầu tư xây dựng gần 400 triệu đồng, đưa vào hoạt động năm 2003 đến nay cũng để... ngắm chơi! Ở đảo Phú Quốc, đầu tư 400 triệu đồng xây dựng chợ tại điểm Cầu Sấu (An Thới) từ năm 2004 nhưng đến nay cũng bỏ hoang.
Theo đề án qui hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2010, sẽ có khoảng 178 chợ với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng. Các loại hình và qui mô chợ cũng được phân ra cụ thể: Loại chợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp: 65; chợ xây mới: 56; chợ di dời: 24 và chợ ổn định 33.
Tại Trà Vinh, một tỉnh nghèo ở ĐBSCL, việc xây dựng chợ cũng rất lãng phí. Điển hình là chợ ở cụm xã Phong Phú được qui hoạch dành cho ba xã Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh, huyện Cầu Kè.
Chợ này được xây dựng bằng nguồn vốn chương trình 135 của Chính phủ từ năm 2001 đến nay trên diện tích qui hoạch 6.500 m2, tổng kinh phí khoảng 3 tỉ đồng. Trong đó khu nhà lồng đã đưa vào sử dụng hơn năm qua vẫn không người vào bán.
Chị Thạch Thị Gương, một trong khoảng 10 chủ sạp bán rau cải tại đây, cho biết chợ này chỉ nhóm hơn 8 giờ đã tan, do chợ xa đường giao thông, lại gần chợ phố trên địa bàn xã được xây dựng cách đó 1km, vốn ngót nghét hơn tỉ đồng.
Cũng trên địa bàn huyện Cầu Kè chợ xã Hòa Ân cũng cùng chung số phận mặc dù nằm vị trí thuận tiện gần đường giao thông.
Chị Minh Thư, ở ấp Trà Kháo buôn bán nơi đây hơn năm năm, cho biết dù buôn bán trong khu nhà lồng chợ không phải đóng thuế hoặc đóng hoa chi nhưng 10 hộ vẫn bán trước sân chợ, vì mặt tiền chợ xây khuất tầm nhìn, vào bán không ai mua. Không ai mua nên nhà lồng chợ chỉ dùng làm nơi... nhốt gà, để củi và vật dụng của một số hộ xung quanh.
Một cán bộ xã Hòa Ân lý giải dù chợ được xây dựng khang trang với kinh phí trên 600 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình 135. Tuy nhiên, do chợ xã chỉ cách chợ huyện Cầu Kè 2km, đường giao thông thuận lợi nên phần lớn người dân đều đi chợ huyện, hàng hóa phong phú hơn.
Nhưng có lẽ chợ xây dựng bề thế nhất với kinh phí tiền tỉ là chợ Tân Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh). Mặc dù đã đưa vào sử dụng hơn hai năm nay nhưng không nhóm họp, không người quản lý, hiện nay các ống dẫn nước và một số vật dụng đã bị mất trộm, nhà lồng chợ là nơi trú ngụ cho... bò.
Theo đánh giá của Sở Thương mại Kiên Giang, có nhiều nguyên nhân khiến chợ xây xong bỏ hoang: việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cụm tuyến dân cư và khu thương mại một số địa phương chưa đồng bộ; địa điểm không phù hợp với tập quán mua bán của người dân; dân ngại di dời về điểm mới sẽ mất khách hàng cũ...
Ông Đoàn Văn Ky - phó chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất)- dẫn chứng: việc Nhà nước đầu tư xây dựng cho xã một chợ bề thế là ngoài sức tưởng tượng của xã vùng nông thôn này.
Có điều làm xong từ năm 2002 với kinh phí gần 400 triệu đồng, đến nay chợ Nam Thái Sơn không một ai “thèm” bước chân vào. “Theo tập quán nhà ai cũng có trồng rau, nuôi cá.Hơn nữa gần đây đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện nên đã có nhiều người chạy xe, vỏ máy tiếp thị bán rau, cá, thịt tận nhà... thì ai đến chợ làm gì”.
Để tránh tình trạng “rập khuôn” và lãng phí tiền từ ngân sách nhà nước khi xây dựng chợ, Sở Thương mại Kiên Giang đã có kiến nghị một số giải pháp như tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đứng ra làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ.
Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, hợp tác xã, hộ cá thể... cùng tham gia. Đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức quản lý chợ, có chính sách phù hợp nhằm phát triển lực lượng thương nhân tham gia kinh doanh chợ...
Bình luận (0)