Quyết định này được đưa ra sau khi ngày càng có nhiều bằng chứng về rủi ro đối với đa dạng sinh học, thủy sản và sinh kế của hàng triệu người dân tại lưu vực sông Mê Kông được gửi tới MRC. Những bằng chứng này cho thấy các loài cá và các đồng bằng ở sông Mê Kông đặc biệt dễ bị tổn thương nếu dự án này được xây dựng và vận hành.
Một đoạn sông Mê Kông
Một nghiên cứu về dự án đập Xayabury được ủy nhiệm bởi WWF đã chỉ ra rằng bản đánh giá tác động môi trường và nghiên cứu khả thi đối với dự án đề xuất này là hoàn toàn không phù hợp, không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những thay đổi trong dòng chảy, trầm tích và chất dinh dưỡng cần phải được nghiên cứu thêm.
TS Jian-hua Meng, chuyên gia thủy điện bền vững của WWF, nhận định: “Bất kỳ một quyết định nào được đưa ra cũng sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ tiếp theo. Chính phủ các nước Thái Lan, Campuchia và VN đều cho rằng vẫn còn những thiếu sót trong việc tìm hiểu những tác động tiềm ẩn của con đập”.
Theo WWF, năm 2008, các chuyên gia đã có một cuộc họp tại Lào để xem xét tác động của những con đập xây dựng trên dòng chảy chính đối với các loài cá di cư và đi đến kết luận: Các biện pháp hiện có nhằm giải quyết đường di cư cho cá hồi được sử dụng tại châu Âu và Bắc Mỹ sẽ không thể phù hợp với mật độ đa dạng và sự di cư của các loài cá trên dòng chảy chính của Mê Kông. WWF tin rằng không thể lấy dòng Mê Kông làm trường hợp thử nghiệm đối với các giải pháp đường đi cho cá.
WWF khẳng định ủng hộ việc hoãn xây dựng đập, trong đó có đập Xayaburi, trên dòng chảy chính hạ lưu sông Mê Kông trong vòng 10 năm tới nhằm đảm bảo tất cả các tác động của việc xây dựng và vận hành đập được đánh giá một cách toàn diện. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu hiện nay, WWF khuyến khích thực thi các dự án thủy điện bền vững trên một vài phụ lưu lựa chọn.
TS Meng cho rằng Lào cần phải dựa vào những bài học đã có được từ những công trình thủy điện bền vững trong khu vực và học tập những công trình khác như đập Nam Theun 2.
Lào hoãn xây đập Xayaburi
Lào đã quyết định hoãn xây đập Xayaburi, đập thủy điện đầu tiên ở khu vực hạ lưu sông Mekong, do vấp phải sự phản đối từ các nước Đông Nam Á.
Quyết định trên đưa ra sau cuộc họp giữa 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tại thủ đô Vientiane (Lào) ngày 19-4
Các bên phản đối lo ngại đập thủy điện Sayabouri sẽ mở đường cho việc xây dựng khoảng 10 con đập khác ở vùng hạ lưu của sông Mekong. Điều này sẽ làm suy thoái hệ sinh thái của sông Mekong và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân sống ở đây.
Kết thúc cuộc họp trên, bốn quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc Lào có nên tiếp tục dự án xây con đập trị giá 3,5 tỷ USD này hay không.
B.T.Th (Theo BBC) |
Bình luận (0)