xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng trái phép: Xử lý cù nhầy!

Nhóm phóng viên

Hàng loạt công trình xây dựng sai phạm nhưng dây dưa khắc phục hậu quả cho thấy các cơ quan chức năng liên quan còn e dè, du di cho chủ đầu tư hoặc quá yếu kém

Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hôm 15-1, nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến việc xử lý những công trình vượt quá 40 tầng đang tồn tại ở TP Nha Trang, cũng như việc Công ty Cổ phần Nha Trang Sao cho lấp 23.000 m2 vịnh Nha Trang... đều không được lãnh đạo tỉnh này trả lời thỏa đáng.

Du di cho sai phạm

Liên quan đến công trình lấp vịnh, Công ty CP Nha Trang Sao bị xử phạt 200 triệu đồng do các hành vi vi phạm về môi trường, sử dụng trái phép di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Sai phạm đã rõ nhưng diện tích vịnh Nha Trang bị lấn chiếm vẫn còn nguyên, chưa hề được khắc phục.

Dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa xây dựng sai phạm nhiều tầng nhưng đến nay vẫn không bị xử lý Ảnh: HỒNG ÁNH
Dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa xây dựng sai phạm nhiều tầng nhưng đến nay vẫn không bị xử lý Ảnh: HỒNG ÁNH

Ông Trần Quang Bửu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng UBND tỉnh đã chỉ đạo và sở đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công đối với các nội dung không có trong giấy phép xây dựng; đồng thời lập phương án biện pháp thi công trình Sở Xây dựng xem xét và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10-1. Việc có bốc dỡ khối lượng đất đá khổng lồ đã đổ xuống vịnh Nha Trang hay không còn tùy thuộc vào phương án biện pháp thi công mà chủ đầu tư lập. Tuy nhiên, quá thời gian quy định, chủ đầu tư vẫn chưa trình phương án biện pháp thi công.

Chủ đầu tư viện đủ lý do phi lý để không bốc dỡ số đất đá lấp vịnh nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn du di chấp nhận. “Chiêu trò này quen quá rồi. Các cơ quan chức năng thì hô hào quyết liệt nhưng chỉ làm cho có. Khi dư luận lắng xuống thì tôi không hy vọng gì chủ đầu tư bốc dỡ đất đá, trả lại nguyên trạng 23.000 m2 vịnh. Khi đó, tôi e ngại rằng sẽ có những câu chuyện hợp thức hóa phần diện tích bị lấn chiếm này” - một người dân Nha Trang bức xúc.

Trong khi đó, hơn 10 dự án vi phạm quy định về độ cao (không quá 40 tầng đối với đô thị ven biển) tại TP Nha Trang đến nay cũng không được UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý. Trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xem xét trình Thủ tướng cho “điều chỉnh cục bộ một số chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025”. Trong đó, Khánh Hòa đề nghị chiều cao khống chế công trình xây dựng ở TP Nha Trang từ 40 tầng lên 60 tầng. Đề nghị này đã bị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bác bỏ.

“Ai cấp phép? Vì sao không xử lý? Động đến quyền lợi của ai?...” là những câu hỏi mà người dân Khánh Hòa chờ những người có trách nhiệm của tỉnh này trả lời.

Quyết liệt... trên giấy

Ngay tại thủ đô Hà Nội, vụ vi phạm xây dựng gây bức xúc không kém trong thời gian qua là tòa nhà số 8B Lê Trực. Kết luận sai phạm đã có từ khá lâu song việc tháo dỡ các tầng xây trái phép vẫn rất ì ạch.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng việc giám sát chặt chẽ các quyết định xử lý chưa được làm rốt ráo. Chủ đầu tư xin 7 tháng để phá dỡ một tầng mái nhưng không thấy UBND quận Ba Đình có ý kiến cụ thể. Đến khi báo chí lên tiếng, UBND TP Hà Nội chỉ đạo thì UBND quận này mới xử lý.

“Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và UBND TP rất nhiều lần chỉ đạo nhưng UBND quận Ba Đình xử lý cầm chừng, gây sự nghi ngờ trong dư luận. Công trình biệt phủ trái phép trên núi Hải Vân cũng vậy. Đã sai phạm thì phải có chế tài xử lý ngay. Nếu còn tiếp tục như thế này, sẽ không tránh được việc người dân nghi ngờ: Liệu cơ quan quản lý địa phương có tạo điều kiện cho chủ đầu tư thêm thời gian chờ dư luận lắng xuống rồi cho qua không?” - ông Liêm băn khoăn.

Một chuyên gia xây dựng, từng là lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, cho rằng các dự án, công trình sai phép trên địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm xử lý. Khi địa phương không xử lý được thì mới cần đến sự chỉ đạo của các cấp cao hơn. Tuy nhiên, về mặt quản lý chung, lãnh đạo các ngành dọc cũng cần có ý kiến góp ý hoặc đốc thúc địa phương về cách thức, thời hạn, chế tài xử lý đối với những vụ việc đặc thù. Với các công trình lớn xây dựng vi phạm, không thể nói là việc của riêng địa phương được.

Tại TP Đà Nẵng, các cơ quan chức năng cũng hô hào quyết liệt xử lý biệt phủ trái phép của đại gia vàng nhưng đến nay, chủ đầu tư chỉ xuê xoa tháo dỡ cổng ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng việc để xảy ra các công trình trái phép, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan. Địa phương nơi để xảy ra sai phạm và các cơ quan chức năng liên quan phải bị làm rõ, xử lý theo đúng quy định.

Truy trách nhiệm không khó

Theo ông Phan Thành - kiến trúc sư, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Hoàng Thuận (TP HCM) - nếu các cơ quan chức năng muốn xử lý thì chẳng có công trình nào trái phép mọc lên nổi; nếu đã mọc lên rồi thì chẳng ai dám khắc phục sai phạm theo kiểu cù nhầy. Khi một công trình sai phép ngang nhiên tồn tại thì phải hiểu rằng nó đã được “cho phép”, bằng hình thức này hay hình thức khác. Người cho phép chính là người “đỡ đầu” công trình trước các quy định pháp lý, trước dư luận và cả các cơ quan chức năng.

Quy định pháp luật hiện hành liên quan đến xây dựng đã khá đầy đủ, rất dễ dàng truy trách nhiệm khi xảy ra sai phạm. Vấn đề là có muốn truy hay không và dám truy hay không? P.Hồ

 

Ông NGUYỄN HOÀNG, Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa:

Cần lập hội đồng thẩm định

Đất dọc bờ biển Nha Trang là “đất vàng”, với mật độ xây dựng tối đa chỉ 40% nên chủ đầu tư thường cố gắng xây các công trình thật cao để tiết kiệm không gian, lợi về kinh tế. Khi cho phép đầu tư, xây dựng, cơ quan chức năng không thành lập hội đồng thẩm định, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, người dân nên mới đụng đâu sai đó. Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị UBND tỉnh thành lập Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tỉnh theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Việc lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học mới hạn chế được sai sót, tạo đồng thuận cho người dân.

Ông NGUYỄN VĂN LỘC, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa:

Dân sai thì phạt, quan sai ai xử?

Sai phạm của chủ đầu tư hiển nhiên phải phạt nhưng còn trách nhiệm của đơn vị đã để cho họ sai phạm thì chừng nào được xử lý? Không làm rõ vấn đề này sẽ tạo thói quen thiếu trách nhiệm, lờn pháp luật của cán bộ, cơ quan nhà nước. Sai phạm mà chỉ phạt tiền rồi thôi thì còn gì kỷ cương, phép nước? Muốn ngăn chặn từ gốc vấn đề này thì phải truy trách nhiệm và xử lý triệt để những người liên quan. Người dân khi xây dựng là có đủ các cơ quan đến kiểm tra, sơ sẩy liền bị phạt ngay, trong khi công trình lớn xây vượt 4-5 tầng mà vẫn để yên thì rất phi lý.

PGS-TS NGUYỄN TÁC AN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học biển Việt Nam:

Mất hàng trăm năm khôi phục

Ngang nhiên lấp vịnh Nha Trang, đào xới danh thắng quốc gia là điều không thể chấp nhận được. Nên nhớ đây là vùng ven biển, là vùng chức năng về sinh thái. Một khi đã đào xới, san lấp thì toàn bộ hệ sinh thái đáy, chủ trình sinh lý hóa ven bờ bị xáo trộn. Nếu không khắc phục kịp thời thì rất khó khôi phục nguyên trạng, không muốn nói là không thể khôi phục. Nếu khôi phục được cũng mất hàng trăm năm.Kỳ Nam ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo