Hơn 1 tháng sau khi đưa vào khai thác, 3 tuyến xe buýt điện không trợ giá lộ trình quanh trung tâm TP HCM (tuyến D1) và khu đô thị Phú Mỹ Hưng (tuyến D2 và D3) không chỉ thu hút lượng lớn khách tham quan du lịch mà dần trở thành phương tiện đi lại thường xuyên của nhiều người.
Sạch và tiện dụng
Loại xe đang thực hiện thí điểm được thiết kế nhỏ gọn với 12 chỗ ngồi và chạy bằng năng lượng điện. Đây được xem là ưu điểm của các tuyến xe này khi không gây ô nhiễm môi trường và thích hợp với những tuyến đường nhỏ hẹp, dễ lưu thông khi xảy ra kẹt xe. Trong đó, lộ trình của các tuyến xe chạy qua nhiều tuyến đường ở trung tâm TP, các khu vui chơi giải trí và đúng thời gian nên đây cũng là lý do được nhiều người lựa chọn.
9 giờ ngày 25-2, tại đầu bến Công viên 23-9 (quận 1), phóng viên ghi nhận khá nhiều người đến chờ đón xe buýt điện để tham quan TP. Nhiều gia đình dắt theo con nhỏ, ngồi sẵn trên hàng ghế của xe vui vẻ trò chuyện trong thời gian chờ xuất bến. Gia đình chị Nguyễn Thanh Trang (28 tuổi, ngụ quận 3) tranh thủ ngày cuối tuần mua vé đi tham quan TP do trước đó đã sử dụng nhiều lần và cảm thấy hài lòng với loại xe này. “Xe sạch sẽ, thoáng và chạy với tốc độ vừa phải nên cả gia đình ai cũng thích thú. Những ngày Tết vừa rồi, gia đình tôi thường xuyên sử dụng xe buýt điện để đi chơi” - chị Trang nói.
Anh Nguyễn Lê Nhân (31 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho rằng điểm tiện lợi nhất của xe buýt điện là thiết kế nhỏ gọn nên di chuyển khá đúng giờ. Hành khách cũng không phải chịu cảnh ngột ngạt, nóng bức do thành xe được thiết kế hở. “Các ghế đều có dây an toàn và thanh chắn nên người ngồi rất yên tâm. Trường hợp bị mưa hay nắng chiếu vào, tài xế sẽ kéo tấm che nên hành khách cũng không bị ảnh hưởng. Tôi bắt đầu sử dụng xe buýt điện đến cơ quan trên đường Hai Bà Trưng từ khoảng 2 tuần nay” - anh Nhân chia sẻ.
Trên chuyến xe xuất bến Công viên 23-9 lúc 14 giờ 30 phút ngày 26-2, phóng viên nhận thấy xe chạy ổn định với tốc độ khoảng 30 km/giờ. Đi đến bến cuối Thảo Cầm Viên (quận 1), nhiều người đứng chờ sẵn để đón xe theo lộ trình ngược lại. Các em nhỏ được cha mẹ dắt theo đều hào hứng, vui đùa khi lần đầu được đi quanh TP ngắm cảnh với giá vé chỉ 12.000 đồng. “Lần đầu tiên tôi vào TP HCM và rất thích thú khi được em gái đưa đi tham quan TP trên xe buýt điện do nó được thiết kế khá giống với xe trong các khu du lịch. Giá vé rẻ và có thể đi tham quan nhiều địa danh nổi tiếng tại TP HCM” - chị Đặng Thị Tuyết (quê Hải Dương) bày tỏ.
Theo tài xế Nguyễn Thế Hùng (lái xe tuyến D1), dù các tuyến xe mới đưa vào hoạt động nhưng thu hút khá lớn lượng khách sử dụng, nhất vào những dịp cuối tuần. Qua thực tế, tài xế Hùng cho biết hiện phần lớn lượng khách vẫn là những người đi tham quan TP, trong đó đối tượng là người nước ngoài, người từ các địa phương khác lần đầu tới TP HCM chiếm phần lớn do chưa rành đường và muốn sử dụng loại xe này để đi tham quan. “Hiện có khá nhiều người mong muốn tăng cường thêm số lượng xe, thu hẹp thời gian giãn cách giữa các chuyến, đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng để đi làm, đến trường” - tài xế Hùng thông tin.
Theo dõi thêm để đánh giá
Theo ghi nhận của phóng viên, lượng hành khách mua vé đi xe buýt điện tập trung khá đông vào những ngày cuối tuần, chủ yếu là đối tượng đi tham quan, du lịch. Khung thời gian lượng khách tập trung cao từ khoảng 8 giờ đến 11 giờ và từ 15 giờ đến 18 giờ. Có nhiều thời điểm, trên các chuyến xe không còn chỗ trống. Lý do nhiều người chọn thời điểm này là do thời tiết mát mẻ, phù hợp cho việc ngắm cảnh, vui chơi ngày cuối tuần. Trong khi đó, với những ngày thường, lượng khách giảm hơn nhưng vẫn khá đông vào giờ cao điểm do nhiều người chọn phương tiện này để đến các cơ quan, trường học.
Thừa nhận mô hình xe buýt điện có nhiều ưu điểm nhưng theo anh Nguyễn Hữu Hậu (ngụ quận Bình Thạnh), các chuyến xe hiện còn khá thưa thớt khi thời gian giãn cách trung bình 30 phút/chuyến. Chưa kể, lộ trình xe cũng tập trung chủ yếu qua các điểm vui chơi, giải trí nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu của những người muốn sử dụng như một phương tiện chính để đi lại. Anh Hậu cũng cho rằng đơn vị khai thác cần lưu ý đến vấn đề do các xe thiết kế hở phần hông nên có nguy cơ hành khách có thể bị cướp tài sản.
Theo ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh - đơn vị khai thác tuyến buýt điện D1, sau hơn 1 tháng tuyến xe đi vào hoạt động, đã có được những kết quả tích cực. Thống kê trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu, ông Sương thông tin lượng khách đạt từ 400-500 người/ngày, có thời điểm gần 600 người/ngày. Thời gian sau Tết, lượng khách giảm hơn nhưng vẫn đạt trung bình từ 120 -140 người/ngày.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết sau hơn 1 tháng thực hiện thí điểm 3 tuyến xe buýt điện, các đơn vị đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ phía người dân. Đây được xem là dấu hiệu tích cực trong việc thu hút người dân sử dụng loại hình giao thông công cộng. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng để có đánh giá cụ thể, các đơn vị cần tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động của các tuyến xe này và có thể sẽ phải điều chỉnh lộ trình để phù hợp với thực tế. “Sắp tới, việc xây dựng nhà ga metro đi vào thi công nên có thể sẽ phải điều chỉnh lại lộ trình của các tuyến xe. Đồng thời, chúng tôi cũng phải dựa vào tình hình thực tế, nhu cầu đi lại của người dân và dự kiến trong vài tháng tới sẽ có đánh giá” - ông Minh nói.
Khách đi lại bằng xe buýt tăng
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, việc triển khai thêm các tuyến xe buýt điện đã góp phần tăng lượt người đi lại bằng xe buýt tại TP HCM. Cụ thể, trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu, có hơn 10,7 triệu lượt khách đi xe buýt (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài lượng hành khách tăng cao ở các tuyến từ nội đô đến các bến xe trên địa bàn, hành khách sử dụng các tuyến xe buýt điện đi tham quan, du lịch cũng tập trung đông.
Bình luận (0)