Sau khi Chính phủ chủ trương đầu tư cho TPHCM 1.300 xe buýt sản xuất trong nước để thay thế hàng loạt xe quá niên hạn đang sử dụng, lập tức một vấn đề khá nan giải đặt ra là “chừng ấy xe lấy ở đâu ra?”. Sau khi bàn thảo, Bộ GTVT đã chọn Tổng Công ty Cơ khí GTVT (Transinco) sản xuất để đáp ứng và đã được Chính phủ chấp nhận. Ngày 13-1, 25 chiếc xe buýt đầu tiên mang nhãn hiệu Transinco trong khuôn khổ 100 xe tăng cường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết đã được chuyển vào TPHCM. Dự kiến 75 xe còn lại sẽ được chuyển vào trước ngày 25-1, mặc dù hai bên chưa ký hợp đồng mua bán.
Thành công vì biết đón đầu thị trường
Ông Từ Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Transinco - cho biết cùng với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, theo định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất dòng xe du lịch cao cấp, doanh nghiệp VN sản xuất xe thông dụng. Nắm bắt cơ hội, Transinco đã chú trọng đầu tư sản xuất các loại xe ô tô chở khách, xe buýt, xe tải để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Giá trị sản lượng của tổng công ty năm 2002 đạt 2.160 tỉ đồng, tăng 154% so với năm 2001. Trong đó đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng này là lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô với 1.236 xe các loại (gồm 891 xe chở khách; 215 xe buýt; 130 xe tải). Tiếp đó là lĩnh vực xe máy với sản lượng 44.000 xe và 47.300 động cơ. Riêng sản phẩm trạm trộn bê tông của tổng công ty đã ở thế độc quyền trên thị trường với chất lượng tương đương trong khi giá bán chỉ bằng 60% của nhà cung cấp nước ngoài. Nhiều sản phẩm máy công trình khác cũng có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Ngay từ khi nắm bắt được chủ trương tổ chức lại mạng lưới giao thông công cộng của Hà Nội và triển khai dự án thay thế xe buýt ở TPHCM, Transinco đã bỏ ra hơn 300 tỉ đồng đầu tư chiều sâu. Ngoài mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, để chuẩn bị cung cấp xe cho TPHCM, Transinco còn vay “nóng” của ngân hàng 3,5 triệu USD, tương đương 54 tỉ đồng, để nhập 100 bộ động cơ, trong khi vẫn chuẩn bị đủ 87 xe cho Hà Nội theo kết quả trúng thầu. Đến nay, các sản phẩm ô tô, xe máy Transinco đã đạt tỉ lệ nội địa hóa khá cao: 65% đối với ô tô khách, 60% đối với xe tải, 40-45% đối với xe máy.
Đầu tư chiều sâu mở rộng sản xuất
Theo Tổng Giám đốc Vũ Văn Khoa, chiến lược phát triển của Transinco trong nhiều năm tới vẫn là nhắm vào thị trường nội địa. Ngay trong năm nay, tổng công ty đã có kế hoạch đầu tư 2.004 tỉ đồng nâng cao năng lực sản xuất và phấn đấu đạt doanh thu 3.000 tỉ đồng. Chuẩn bị xong mặt bằng để hình thành 4 cụm công nghiệp (CCN) lớn ở khu vực phía Bắc gồm: CCN Đông Anh (Hà Nội) rộng 30 ha, với nhà máy sản xuất ô tô khách 5.000 xe và 20.000 bộ khung gầm/năm. CCN Bắc Giang rộng 30 ha, với nhà máy sản xuất động cơ diesel công suất 30.000 chiếc/năm, nhà máy sản xuất khung xe máy công suất 180.000 chiếc/năm. CCN tại Mê Linh (Vĩnh Phúc) rộng 60 ha, với nhà máy ô tô tải nhẹ, công suất 12.000 chiếc/năm. CCN Văn Lâm (Hưng Yên) sản xuất các loại phụ tùng xe máy. Năm 2003, năng lực sản xuất của Transinco sẽ đạt 17.000 chiếc ô tô các loại và hơn 100.000 xe gắn máy. Tổng công ty cũng đã hình thành bộ phận thiết kế có đủ năng lực, thiết bị để thiết kế các loại ô tô, xe máy phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài. Tổng công ty sẽ phấn đấu làm nốt các bộ phận của ô tô đang phải nhập khẩu là kính an toàn, đồ điện, cầu xe và tiến dần tới sản xuất động cơ vào năm 2005.
Bình luận (0)