Theo ông Nguyễn Văn Lèo, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP HCM (Citranco - đơn vị quản lý tuyến xe buýt vòng), lượng hành khách tăng từ 10 người lên 20-21 người/chuyến (sản lượng đủ là 40 khách) trong những tháng vừa qua của tuyến 35 thật ra chủ yếu nhờ học sinh, sinh viên.
“Riêng lượng hành khách mà phương tiện này nhắm tới là cán bộ, công chức (CB-CC), viên chức của quận 1 và khách du lịch vẫn không bao nhiêu. Trong số CB-CC đi xe buýt vòng, hầu hết là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh…” - ông Lèo cho biết.
Khai trương ngày 17-9-2012, ngoài mục tiêu phục vụ học sinh, sinh viên, CB-CC, xe buýt vòng còn nhắm tới du khách trong và ngoài nước, khách vãng lai có nhu cầu tham quan các địa điểm du lịch, khu trung tâm hành chính của TP HCM. Thế nhưng, cả 2 mục tiêu này đến nay đều không đạt được.
“Du khách vẫn không mặn mà khi tham quan khu trung tâm TP HCM bằng xe buýt bởi không thuận tiện cho việc chụp hình, ngắm cảnh… Chưa kể, do khoảng cách các điểm đến quá gần nên xe máy, xích lô, xe ôm vẫn là lựa chọn số 1 của họ. Riêng CB-CC của quận 1, họ cũng có nhiều lý do như phải đưa đón con đi học… nên không thể tham gia đi xe buýt” - ông Lèo lý giải.
Theo lãnh đạo Citranco, tuy khách có tăng so với thời điểm mới mở tuyến 35 nhưng sản lượng chỉ đạt 50% người/chuyến nên nhà xe vẫn lỗ bởi trợ giá tuyến này khá thấp do cự ly ngắn (10,2 km). Mỗi tháng, Citranco phải chi 100 triệu đồng từ các khoản kinh doanh khác để bù lỗ cho tuyến xe buýt vòng.
Để giải quyết bài toán này, lãnh đạo Citranco cho rằng cần có sự chung tay giúp sức của nhiều ngành và UBND quận 1 trong việc kêu gọi CB-CC ủng hộ xe buýt vòng. “Để có tuyến xe buýt vòng trung tâm TP HCM đầu tiên, Citranco đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng mua 11 xe mới, rồi quảng bá trạm tự động, xe đạt tiêu chuẩn khí thải, sạch sẽ, an toàn… Dù học sinh, sinh viên rất thích tuyến 35 nhưng chỉ đi nhiều vào những giờ cao điểm, trông chờ vào lượng khách này cũng không ổn. Do đó, sắp tới, Citranco sẽ phối hợp với các công ty du lịch và khách sạn để giới thiệu tuyến này nhằm kéo du khách lên xe” - ông Lèo nói.
Trong khi đó, UBND quận 1, nơi nảy sinh ý tưởng mở tuyến xe buýt vòng, cũng đã nhiều lần kêu gọi CB-CC đi lại bằng phương tiện này ít nhất 1 lần/tuần và phát miễn phí 1.000 vé. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thành Kiên, Chủ tịch UBND quận 1, CB-CC vẫn chưa có thói quen đi xe buýt, chưa kể nhiều người không thể đi 1 tuyến mà đến ngay cơ quan của mình, xe còn chạy lòng vòng mất thời gian…
Trong tháng 3-2014, UBND quận 1 sẽ phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM sơ kết những mặt được và chưa được cũng như hướng phát triển sắp tới của tuyến xe buýt vòng. Làm sao để tăng hành khách trên xe buýt là trách nhiệm chính của trung tâm, còn quận 1 sẽ tiếp tục vận động cũng như hỗ trợ để người dân, CB-CC đi xe buýt.
“Theo tôi, để tăng hành khách cho tuyến xe buýt vòng, cần lôi kéo du khách hơn là CB-CC. Cả quận chỉ có hơn 300 CB-CC, nếu đi xe buýt thì cũng không tăng bao nhiêu lượt. Sắp tới, quận sẽ có phương án phối hợp với các công ty du lịch trên địa bàn nhằm giới thiệu du khách tham quan trung tâm TP HCM bằng tuyến xe buýt này” - ông Kiên khẳng định.
Nhiều tuyến ngừng, giảm chuyến
Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM vừa thông báo sẽ cắt giảm tuyến xe buýt Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia (tuyến 50) từ 78 xuống còn 44 chuyến/ngày. Thời điểm xuất bến của chuyến đầu là 5 giờ 40 phút, chuyến cuối vào 16 giờ 30 phút và lộ trình không thay đổi. Tuyến xe buýt 50 bị điều chỉnh giảm chuyến là do hoạt động không hiệu quả, khách chủ yếu tăng cao vào những giờ cao điểm.
Ngoài ra, trung tâm đang khảo sát tuyến 26 (Bến xe Miền Đông - Bến xe An Sương) để cắt giảm chuyến trong thời gian tới. Trước đó, trung tâm đã cho ngừng hoạt động tuyến 143 (Bến xe Chợ Lớn - Bình Hưng Hòa) từ ngày 1-2, tuyến 111 (Bến xe quận 8 - Bến xe An Sương) từ ngày 1-3. Với tuyến 143, hành khách có thể thay thế bằng tuyến Bến xe Miền Tây - Cư xá Nhiêu Lộc (số 144) hoặc Bến xe Miền Tây - Bến xe Ngã Tư Ga (số 32); tuyến 111 có thể thay bằng tuyến Công viên 23-9 - Bến xe An Sương (số 27) hoặc Bến xe quận 8 - Thới An (số 62).
Trong tháng 12-2013, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cũng đã cho ngừng hoạt động 2 tuyến xe buýt không trợ giá là tuyến 63 (An Thới Đông - Tam Thôn Hiệp) và tuyến 125 (Lý Nhơn - An Nghĩa) do hoạt động không hiệu quả.
Bình luận (0)