Xe khách Hoa Mai đang đón trả khách trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1 - TPHCM) ngày 12-4. Ảnh: Tấn Thạnh
Hoạt động rầm rộ
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, xe du lịch lữ hành biến tướng thành xe dù đang hoạt động rầm rộ trên địa bàn TPHCM, nhất là tại các quận nội thành như 1, 5, 10, Tân Bình, Bình Tân… Một số nhà xe hoạt động rầm rộ như Hoa Mai, Thiên Phú, Minh Thắng, Ba Nga… Mang danh nghĩa là xe du lịch lữ hành nhưng lại tổ chức đón rước khách tại một điểm cố định, bán vé lẻ cho hành khách, ước tính mỗi ngày có hơn 10.000 lượt khách được hàng trăm xe hoạt động theo dạng này vận chuyển đi các tỉnh, TP như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Quảng Nam… Trong khi các doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động trong bến phải chịu nhiều khoản phí như phí bến bãi, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp… thì các nhà xe du lịch lữ hành không phải chịu hầu hết các khoản phí như thế nên giá cả có phần cạnh tranh. Trước thực tế này, các DN có thương hiệu đang hoạt động trong bến đã tìm cách đưa xe ra ngoài đón khách để... dễ thở.
Việc cạnh tranh không lành mạnh khiến hàng chục DN, HTX hoạt động trong bến liên tục gửi đơn kiến nghị khắp nơi để nhờ can thiệp, như HTX Xe khách liên tỉnh và Du lịch Miền Đông, Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Thương mại Phi Hiệp, Công ty TNHH Cúc Tùng, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Anh Khoa, HTX Dịch vụ - Vận tải Thắng Lợi, HTX Xe khách liên tỉnh và Du lịch Đông Bắc… Thế nhưng, đến nay tình trạng trên vẫn không giảm. “Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đã bóp nghẹt các DN trong bến khiến họ không muốn đầu tư phương tiện. Do đó, mỗi dịp Tết, việc điều xe giải tỏa khách càng khó khăn” - ông Hải nói.
Lách luật để đối phó
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dẫn đến tình trạng trên do có kẽ hở trong quy định các điều kiện kinh doanh loại hình vận tải khách cố định và loại hình du lịch nên việc kiểm tra, xử lý chưa thể triệt để. Cụ thể, tại khoản 9, điều 4 của Luật Du lịch ghi rõ: “Tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không”. Quy định này đã tạo kẽ hở cho các đơn vị vận tải vận dụng văn phòng, trụ sở cung cấp dịch vụ du lịch để hợp thức hóa việc đón trả khách dưới danh nghĩa vận tải khách du lịch. Do đó, Sở GTVT TPHCM có văn bản thông báo gửi Bộ GTVT và đề xuất làm rõ từ ngữ “cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch” để tránh tình trạng lợi dụng nói trên.
Về việc kiểm tra, xử phạt xe du lịch lữ hành vi phạm đến nay cũng còn nhiều bất cập, chồng chéo. Nghị định 16/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, chủ yếu do Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xử phạt nếu thấy vi phạm. Còn lực lượng Thanh tra Giao thông thuộc các sở GTVT chỉ có thể xử phạt các vi phạm quy định tại điều 8 (chủ yếu vi phạm không bảo đảm nội thất, tiện nghi kinh doanh du lịch; nhân viên không giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ; không bảo hiểm cho hành khách...). Thế nhưng, theo một lãnh đạo thanh tra Sở GTVT TPHCM, khi kiểm tra ít có DN vi phạm.
Thất thu lớn Thống kê sản lượng thực hiện năm 2011, ông Thượng Thanh Hải cho biết so với năm 2010, lượng hành khách qua bến giảm rõ rệt. Một tháng, trung bình giảm 1.000 chuyến xe xuất bến, tính ra. Một năm giảm khoảng 12.000 xe, giảm hàng chục ngàn khách, gây thất thu gần 10 tỉ đồng. Có tuyến mất hẳn hoặc tê liệt như các tuyến đi Quảng Nam, Đà Nẵng… vì không có khách hoặc khách quá ít, DN lỗ đành phải đóng cửa. |
Bình luận (0)