Ngoài liên danh HTX Thành Long - Phước Đạt, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM còn có kế hoạch thanh tra hơn 200 trường có xe đưa rước học sinh (HS). Việc kê khống số lượng HS như thế nào sẽ được làm rõ trong kết luận của Thanh tra Sở GTVT TP HCM.
Đối phó
Đề cập việc trợ giá cho xe đưa rước HS, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng “không tin được HTX và nhà trường”. Theo ông Thanh, hiện sở vẫn dựa trên mức trợ giá của UBND TP HCM đưa ra là 2.830 đồng, riêng huyện Cần Giờ là 3.537 đồng/lượt/HS/ngày.
Sở GTVT TP HCM căn cứ hợp đồng của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (QLĐH VTHKCC) đặt hàng với các trường để trợ giá. Với cách tính này, mức trợ giá giảm xuống. Ngoài ra, cũng có thể do đơn đặt hàng số lượt HS giảm xuống vì có thêm xe hoạt động ở trường hoặc các năm trước có số HS ảo xen vào nên khi tính sát thực tế thì mức trợ giá quay về đúng bản chất.
“Kết quả thanh tra liên danh Thành Long - Phước Đạt mới đây cho thấy nhiều trường đã không trung thực khi kê khai số lượng HS được đưa rước nên chúng tôi phải tổng kiểm tra lại, tiến hành quản lý bằng định vị GPS. Tiếp tục kiểm tra, Trung tâm QLĐH VTHKCC phát hiện nhiều nhà xe ở Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn tháo rời GPS để lên xe gắn máy chạy lòng vòng đối phó. Những trường hợp này đã bị đình chỉ, không cho hoạt động trở lại” - ông Thanh cho biết.
Về lý do đơn đặt hàng năm nay quá chậm trễ, ông Thanh giải thích là vì triển khai một số công tác mới. Tuy nhiên, hiện hợp đồng đã được triển khai đầy đủ đến từng doanh nghiệp (DN) vận tải và các trường học. Riêng khoản trợ giá từ ngày 15-3 đến 25-5 của các xã viên thuộc liên danh Thành Long - Phước Đạt, sở đang xác minh, tính toán để giải quyết sớm.
Một cán bộ Trung tâm QLĐH VTHKCC khẳng định: “Không có chuyện trợ giá 50 tỉ đồng từ ngày 15-3 đến 25-5 như Ban Chủ nhiệm HTX Thành Long - Phước Đạt cung cấp cho báo chí. Thực tế sẽ thấp hơn nhiều nhưng cụ thể thế nào cần phải xác minh lại với các trường”.
Quản lý lỏng lẻo, dễ gian lận
Theo ghi nhận của chúng tôi, khác hẳn xe buýt, việc quản lý, giám sát phương tiện đưa rước HS khá lỏng lẻo. Với xe buýt, mỗi chuyến phải được nhân viên Trung tâm QLĐH VTHKCC xác nhận ở 2 điểm đầu và cuối bến, số lượt được hưởng trợ giá căn cứ trên số vé bán ra, nhân viên trung tâm thường xuyên kiểm tra bất ngờ các tuyến...
Trong khi đó, với xe đưa rước HS, việc xác nhận số lượt HS, số chuyến lại giao cho nhà trường và DN. Đầu năm, nhà trường chốt danh sách HS đăng ký đi xe. Con số này được DN trình lên Trung tâm QLĐH VTHKCC. Do thiếu nhân sự nên mỗi ngày, trung tâm không thể kiểm tra, kiểm soát số lượng này có chính xác không. Chưa kể chỉ một năm nay, GPS quản lý số chuyến xe mới được triển khai, đồng thời buộc tài xế phải có xác nhận của bảo vệ nhà trường để công nhận chuyến xe.
Nhiều chủ xe cho biết họ thường xuyên dồn HS để giảm bớt số chuyến, thậm chí nhiều chuyến không có thật. Chính vì đưa rước HS “rất có ăn” nên mới có chuyện mua tài bán chuyến cả trăm triệu đồng. Ông V.P, chủ nhiệm một DN vận tải, nhận xét: “Cơ chế kiểm tra, kiểm soát không rõ ràng dễ dẫn đến việc không minh bạch tài chính. Trong khi đó, việc quản lý xe buýt hằng ngày rất gắt gao nhưng sơ hở một chút thì vẫn lọt”.
Theo Sở GTVT TP HCM, hoạt động đưa rước HS dựa trên sự quản lý của 3 bên là sở, DN vận tải và nhà trường. Trong đó, nhà trường có trách nhiệm phối hợp cùng DN xác định nhu cầu tham gia của HS, số lượng và số lượt HS đi xe hằng ngày. DN vận tải cung cấp dịch vụ và bảo đảm chất lượng, còn Sở GTVT giao Trung tâm QLĐH VTHKCC quản lý, kiểm tra. Như vậy, khi không thể tin hoàn toàn vào nhà trường và DN (như liên danh Thành Long - Phát Đạt), sở phải quản lý thế nào?
“Sở GTVT TP HCM sẽ yêu cầu Trung tâm QLĐH VTHKCC làm việc với phụ huynh HS để tuyên truyền cho họ hiểu mục đích trợ giá - về nguyên tắc phải tính đúng, đủ và trung thực. Ngoài ra, chúng tôi đang hoàn chỉnh dự thảo quy chế phối hợp liên sở GD-ĐT và GTVT để triển khai đến các đơn vị liên quan như phòng giáo dục các quận - huyện, Trung tâm QLĐH VTHKCC nhằm tăng trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh HS” - ông Thanh cho biết.
Nếu gian lận, 3 bên đều chịu trách nhiệm
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: Theo Quyết định 16/2010 của UBND TP HCM, hợp đồng ở đây là giữa 3 bên: nhà trường, DN và Trung tâm QLĐH VTHKCC. Theo điều 17, Quyết định 16, nhiệm vụ của DN xe buýt là quản lý và sử dụng đúng quy định số tiền trợ giá, phối hợp với Trung tâm QLĐH VTHKCC quyết toán trợ giá theo đúng thời gian quy định, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo quyết toán. Nếu số liệu trong báo cáo quyết toán sai sót, DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước trung tâm. Khi phát hiện vi phạm hợp đồng, trung tâm có quyền đình chỉ khai thác tuyến xe của DN, đồng thời chịu trách nhiệm trước Sở GTVT TP HCM nếu không thực hiện.
Điều 412 Bộ Luật Dân sự quy định về nguyên tắc, hợp đồng phải được thực hiện đúng đối tượng, chất lượng, số lượng. Hợp đồng phải được thực hiện một cách trung thực, bảo đảm tin cậy lẫn nhau và không xâm phạm đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng... Nếu nhà trường kê khống số lượt HS lên cao thì đã vi phạm nguyên tắc không trung thực nêu trên. Với trường hợp này, Trung tâm QLĐH VTHKCC có quyền hủy bỏ hợp đồng theo điều 425 Bộ Luật Dân sự, yêu cầu nhà trường bồi thường thiệt hại; nếu không thỏa thuận được thì có thể đưa vụ việc ra tòa kinh tế xét xử.
“Để tránh tình trạng DN vận tải gian lận, theo tôi, UBND TP HCM nên sớm chấm dứt cơ chế trợ giá bao cấp như hiện nay. Cần phải đấu thầu dịch vụ công này, có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và sớm áp dụng thẻ thông minh thay cho thẻ giấy” - luật sư Hà Hải đề xuất.
Bình luận (0)