Ngày 17-4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì buổi sơ kết triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện trên cả nước.
Tìm mọi cách né tránh
Theo thống kê của Bộ GTVT, sau nửa tháng kiểm soát tải trọng xe (bắt đầu từ ngày 1-4), lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 11.000 xe, phát hiện 2.132 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 19,4%). Vẫn còn 11 địa phương chưa đưa cân lưu động được cấp vào hoạt động, gồm: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu. Nhiều địa phương như tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi chưa triển khai kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ địa phương hoặc thiếu quyết liệt trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Mặc dù Quốc lộ 1 có lưu lượng xe quá tải rất lớn nhưng mới có 15/30 địa phương triển khai kiểm soát tải trọng xe.
Do một số địa phương chưa đưa trạm kiểm soát tải trọng xe vào hoạt động 24/24 giờ và liên tục 7 ngày trong tuần nên đã xuất hiện tình trạng xe quá tải dừng đậu ở khu vực 2 đầu trạm cân, có trạm lên đến hàng trăm xe mỗi phía. Đến khi trạm nghỉ làm việc thì các xe quá tải ào ào chạy qua.
“Có tình trạng một số doanh nghiệp (DN) vận tải, chủ xe tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, theo dõi tình hình kiểm tra xe quá tải của cơ quan chức năng những ngày tiếp theo hoặc phá hợp đồng vận chuyển đã ký kết trước đó để ép tăng giá cước và cùng với một số chủ hàng gây sức ép lên Chính phủ, Bộ GTVT, công luận, xã hội. Một số xe vẫn cố tình chở quá tải nên tìm cách trốn tránh không qua trạm kiểm tra tải trọng” - báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ.
Không “cứu” doanh nghiệp phá đường sá
Tại cuộc họp, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an, đề nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan rà soát việc cho nhập khẩu những loại phương tiện có khả năng chuyên chở lớn, không phù hợp với điều kiện cầu đường ở Việt Nam. Chính vì thế, dù chở đúng tải thì các loại xe này vẫn gây hư hỏng đường. Theo ông Nghị, nhiều CSGT phản ánh kiểm tra xe hoán cải rất khó bởi giấy phép và hình dạng bên ngoài không khác nhưng thực tế xe đã được hoán cải để chở nhiều hàng hóa hơn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị ông Nghị trả lời trực diện vào câu hỏi “Nhiều nhà xe nói nếu không hoán cải thùng xe, không chở quá tải thì lấy đâu tiền để hối lộ, bôi trơn cho CSGT, thanh tra giao thông?”. Về vấn đề này, ông Nghị cho biết Bộ Công an đã lập một đề án về việc kiểm soát tiêu cực trong ngành công an. “Người dân hoặc các cơ quan báo chí nếu có bằng chứng về cán bộ tiêu cực hãy gửi cho chúng tôi để có căn cứ xử lý cán bộ” - ông Nghị nói.
Lãnh đạo Tổng cục VII phân trần báo chí, dư luận bấy lâu nay chủ yếu lên án người nhận tiền mà không chú ý tới người đưa tiền là cánh tài xế, chủ hàng vi phạm. Ông Nghị đề nghị báo chí lên án mạnh mẽ những người tiếp tay đưa hối lộ cho lực lượng thực thi công vụ để bảo đảm việc triển khai minh bạch.
Trong khi đó, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết sau khi Bộ GTVT và nhiều địa phương quyết liệt kiểm tra, xử lý xe quá tải, nhiều DN đã gọi điện cho lãnh đạo hiệp hội nhờ can thiệp. Tuy nhiên, “hiệp hội chúng tôi không ủng hộ những DN làm ăn lôm côm, không đàng hoàng, chở quá tải phá đường sá” - ông Thanh khẳng định.
Xử không nghiêm, lãnh đạo Cục Đăng kiểm phải thôi việc
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các địa phương phải làm quyết liệt; kiểm tra, xử lý 24/24 giờ suốt 7 ngày trong tuần chứ không thể làm theo kiểu phong trào. Chi phí để duy trì hoạt động của các trạm cân di động được lấy từ quỹ bảo trì đường bộ và quỹ xử phạt vi phạm an toàn giao thông ở các địa phương.
“Chủ một DN có 400 ô tô gọi điện cho tôi nói rằng không nước nào buông lỏng quản lý như ở Việt Nam khi để cho xe khách chạy một mạch từ một xã ở phía Bắc vào tận TP HCM, trong khi có những xe chỉ có thể chở khách từ xã lên huyện. Sắp tới sửa nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải, chúng tôi sẽ tập trung vào chuyện này. Chúng ta đang hướng tới sự hoàn thiện nhưng làm triệt để ngay sẽ khó” - ông Thăng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ đề xuất không cho phép thực hiện hoán cải ô tô. Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đang rà soát toàn bộ quá trình đăng kiểm phương tiện và những kẽ hở để xảy ra tiêu cực. “Năm nay mà Cục Đăng kiểm Việt Nam không quyết tâm đổi mới, xử lý nghiêm tiêu cực trong ngành thì toàn bộ lãnh đạo cục phải thôi việc, đưa sang làm chỗ khác. Anh Hình (ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - PV) đã cam kết rồi. Không thể để xảy ra chuyện người dân nhìn bằng mắt thường cũng biết xe hoán cải, chở quá trọng tải mà cán bộ đăng kiểm lại làm ngơ, thông qua được” - Bộ trưởng Thăng quả quyết.
“Việc kiểm soát, xử lý nghiêm xe chở quá tải lần này sẽ không có thời hạn nào cả, làm mãi mãi” - ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, nói.
Trạm cân chỉ có bóng đèn của Trung Quốc
Trước dư luận về việc trạm cân di động được làm toàn bộ từ các thiết bị của Trung Quốc nên thiếu chính xác, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH MTV Hanel - đơn vị cung ứng thiết bị - giải trình.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel, chỉ duy nhất bóng đèn được nhập khẩu từ Trung Quốc; còn lại các thiết bị của trạm cân di động đều xuất xứ từ châu Âu, Nhật Bản, Canada hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước tại nhà máy của Hanel. Bàn cân đã được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy phép kiểm định.
Bình luận (0)